Bảy năm khốn khổ vì ô nhiễm
Trở lại Nghĩa Lâm vào một chiều tháng 7, cái nắng oi nồng mùa hè như thiêu như đốt da người cùng mùi thối của phân bò theo gió bụi bay khắp nơi khiến chúng tôi cảm thấy thật ngột ngạt, khó chịu.
Gặp lại ông Trần Văn Huy, 56 tuổi là cư dân xóm, nhà ở đối diện với khu “hậu cần của trang trại bò, chưa kịp chào hỏi bắt tay ông Huy đã cho biết: “ Sau hai bài báo anh viết về ô nhiễm ở xóm Đông Lâm, tình hình ô nhiễm vẫn y nguyên như cũ. Ở đây ô nhiễm hết chịu nổi nhà báo à, dân kêu cứu nhiều rồi, nhưng chính quyền, trang trại bò không quan tâm, họ chỉ hứa cho yên lòng dân, rồi đâu lại vào đó”.
Trang trại bò sữa số 1 của Công ty CP thực phẩm sữa TH gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân sống trong nỗi khổ sở trong nhiều năm nay
Ông Bùi Mạnh Cường, người dân xóm Đông Lâm bức xúc: “Hiện tại gia đình chúng tôi đang sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ Trại bò sữa số 1 của Công ty CP thực phẩm sữa TH thuộc Tập đoàn TH (TH True Milk), khu vực này các phương tiện xe cộ chạy suốt ngày đêm, xe chở phân bò nồng nặc, ruồi muỗi, bụi bặm… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe, ảnh hưởng đến tương lai con cái sau này”.
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Hồ Sỹ Tú cho biết: “Cho đến nay đã 7 năm rồi chúng tôi sống trong tình trạng ô nhiễm sát cạnh khu trung tâm thức ăn ủ chua và trại chăn nuôi số 1, lưu lượng xe đi lại quá nhiều, gần như 24/24 giờ, làm cho môi trường không khí và nguồn nước ngày càng ô nhiễm, nhân dân không thể sinh sống lâu dài ở đây được nữa. Nhà tôi chỉ cách trang trại nuôi bò sữa vài chục mét, nên hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối từ phân bò trong các trại chăn nuôi và từ các hố xử lý chất thải của TH True Milk”.
Những lá đơn kiến nghị của người dân xóm Đông Lâm gửi các cơ quan chức năng từ huyện cho đến tỉnh Nghệ An về tình trạng Công ty CP thực phẩm sữa TH hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nhưng sự việc vẫn không có biến chuyển
Bà Phan Thị Châu là cư dân sinh sống tại xóm Đông Lâm cũng than thở: Các chú nhà báo ơi, chúng tôi ở đây khổ lắm, ngoài mùi thối còn có ruồi nhặng, muỗi, bụi và tiếng ồn do xe tải chạy quá nhiều. Gia đình tôi cũng nằm trong diện quy hoạch phải di dời tái định cư và đã được hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của huyện kiểm đếm công trình , nhà cửa, cây cối và hoa màu từ năm 2012. Được biết ngay từ năm 2010 đã có chủ trương di dời tái định cư cho xóm Đông Lâm, nhưng đến nay dự án tái định cư vẫn đang là dự án treo, còn người dân thì cứ phải sống trong ô nhiễm và khắc khoải chờ đợi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vinh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cũng rất bức xúc vì tình trạng Trang trại bò sữa TH True Milk hoạt động gây ô nhiễm môi trường, vị chủ tịch này cho PV xem tập đơn đề nghị, kêu cứu của hàng chục hộ dân đang sinh sống trong vùng ô nhiễm, các đơn thì đều chung nội dung đó là sớm di dời hộ bị ô nhiễm, và Tập đoàn TH phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bà Thanh trầm tư nói: “Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh phải có biện pháp quyết liệt yêu cầu Tập đoàn TH phải có giải pháp công nghệ khoa học nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói trên. Đồng thời cũng mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp khác như đền bù tái định cư cho các hộ dân bị ô nhiễm nặng nề”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vinh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm mong muốn tỉnh Nghệ An nhanh chóng tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng và TH True Milk phải có biện pháp xử lý môi trường
Tại Thông báo số164/TB – UBND kết luận của ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn ngày 05 tháng 9 năm 2018 đã đánh giá tình hình ô nhiễm do Tập đoàn sữa TH gây ra cho nhân dân xã Nghĩa Lâm như sau: “Vẫn còn tình trạng mùi hôi, ruồi nhặng tại các cụm trang trại, làng gần các cụm trại, phân, nước thải tại một số hố chứa đôi lúc còn chảy tràn hoặc bơm chảy ra ngoài khi mưa lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất, nước sinh hoạt của nhân dân. Xe vận chuyển phân, nước thải, thức ăn chăn nuôi vẫn chưa được vệ sinh sạch sẽ, xe chạy ẩu, chạy quá tốc độ gây tai nạn giao thông và nguy hiểm cho người đi đường, không đậy nắp trong qúa trình vận chuyển làm rơi vãi phân, nước thải, thức ăn chăn nuôi trên các tuyến đường vận chuyển, khi mưa lớn một số vùng đất sản xuất của nhân dân vẫn bị bồi lấp.”
Điều thật khó hiểu là đã 7 năm nay, trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm nặng nề tại xã Nghĩa Lâm mà không có cơ quan chức năng nào xử phạt về hành vi vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường ?. Dư luận đang không khỏi hoài nghi đang có bàn tay nào “che chở” cho những sai phạm của Tập đoàn sữa TH.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An “trốn tránh” làm việc với phóng viên
Để làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An khi để trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm môi trường tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Ngày 27/5/2019, phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc với ông Lê Đức Cường – Chánh văn phòng UBND tỉnh, ông Cường vui vẻ đồng ý và hẹn phóng viên chờ, vì vị Phó chủ tịch tỉnh phụ trách công tác môi trường đang đi nước ngoài.
Con đường dẫn vào trại bò sữa TH True Milk xuống cấp, bụi bặm khiến người dân vô cùng bức xúc
Đến ngày 24/6/2019, phóng viên liên lạc lại với ông Cường để xác nhận lại lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh thì được ông Cường trả lời: “Anh liên lạc trực tiếp với anh Hồng, Phó chủ tịch tỉnh nhé”. Phóng viên gọi điện thoại liên lạc với ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An phụ trách Môi trường thì được ông Hồng trả lời: “Về vấn đề này, anh gặp lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nhé”. Phóng viên trả lời: “Tôi muốn gặp anh để tìm hiểu và tham khảo ý kiến của lãnh đạo tỉnh về vấn đề ô nhiễm môi trường do trang trại bò sữa TH True Milk gây ra tại xã Nghĩa Lâm và trách nhiệm của lãnh đạo Tỉnh đến đâu khi để xảy ra vụ việc đó, vả lại Giấy giới thiệu của Tòa soạn cũng kính gửi Lãnh đạo Tỉnh Nghệ An anh à.”. Ông Hồng trả lời: “Giờ tôi đang bận họp, cứ để từ từ anh nhé”.
Và đến nay, PV và Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống cũng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Thiết nghĩ, ô nhiễm môi trường do Tập đoàn TH gây ra đối với cư dân xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn hiện đang là vấn đề nóng bỏng, ấy vậy mà lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn bang quan với nỗi khổ của dân. Dù công việc có bận đến mấy thì vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách về môi trường cũng nên cố gắng sắp xếp thời gian để gặp và làm việc với phóng viên theo đúng quy định của Luật báo chí chứ sao lại để “từ từ” được.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Kế Hùng