Nghệ An: Dân chặn xe tải vào cảng, chính quyền và doanh nghiệp tổ chức đối thoại

Kế Hùng|25/07/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau sự việc người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chặn đường, không cho xe tải vào cảng, mới đây, UBND huyện Nghi Lộc, BQL Khu Kinh tế Đông Nam cùng Công ty CP Xi măng Sông Lam đã tổ chức buổi đối thoại ba bên nhằm tháo gỡ vướng mắc.

24-the-hung.jpg
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tại buổi đối thoại

Được biết, trước khi có buổi đối thoại giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), tại khu vực xóm Hải Thịnh đã xảy ra việc người dân chặn xe tải vận chuyển nguyên vật liêu, hàng hóa ra vào trạm nghiền xi măng của Công ty xi măng Sông Lam trong khoảng thời gian từ ngày 8 - 24/6/2023.

Đến ngày 19/7/2023, người dân xã Nghi Thiết lại ra đường D4 chặn xe vào cảng. Thậm chí, người dân còn mắc võng, căng lều bạt trên đường vi phạm giao thông, gây mất trật tự nơi công cộng

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc người dân chặn xe tải của nhà máy xi măng khi đi vào Cảng Vissai Nghi Thiết, ngày 21/7, tại UBND xã Nghi Thiết, UBND huyện Nghi Lộc phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cùng Công ty CP xi măng Sông Lam đã tổ chức buổi đối thoại với người dân.

Dân chặn xe vì ô nhiễm môi trường

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của người dân đã được đưa ra, trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy sản xuất xi măng của Công ty CP xi măng Sông Lam.

Ông Nguyễn Văn Cái (70 tuổi, trú tại xã Nghi Thiết) bày tỏ, từ khi cảng và nhà máy xi măng đi vào hoạt động, tình hình môi trường xung quanh bị ô nhiễm, số người mắc các bệnh về hô hấp tăng lên. Về môi trường biển thì nhiều lần xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.

“Tôi năm nay 70 tuổi rồi nhưng vẫn sợ chết, dân bức xúc bấy lâu nay vì việc ô nhiễm môi trường. Để chấm dứt tình trạng người dân chặn xe này thì lãnh đạo, doanh nghiệp phải giải quyết được vấn đề ô nhiễm”, ông Cái nói.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Tuyết (trú tại xã Nghi Thiết) thì thời gian gần đây, trong công ty xi măng xuất hiện téc chứa nước bốc mùi, nghi là nước thải nhưng câu trả lời của người trong công ty lại mỗi người 1 kiểu khiến người dân rất bức xúc.

“Téc chứa nước trong công ty bốc mùi. Chúng tôi hỏi thì người này nói nước thải, người kia nói nước làm mát, người khác lại nói nước để sinh hoạt...Câu trả lời bất nhất nên chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp làm rõ việc này”, ông Tuyết cho ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Tuyết đề nghị, phải công khai kết quả quan trắc môi trường cho người dân được biết và giám sát.

Ngoài vấn đề môi trường, ông Nguyễn Viết Xuân (trú tại xã Nghi Thiết) cũng yêu cầu phía chính quyền và doanh nghiệp trả lời việc xây dựng dự án trong cảng có đúng với quy hoạch hay không, có vượt ra ngoài phạm vi ranh giới được phép xây dựng dự án hay không, phải công khai cho người dân được biết.

Tổng hợp những ý kiến của người dân, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam thông tin, tại khu vực xã Nghi Thiết có 2 dự án thuộc Tập đoàn Vissai đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Thứ nhất, dự án trạm nghiền xi măng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 vào ngày 24/4/2018 có diện tích lập quy hoạch là 690,945m2. Trong đó, diện tích xây dựng trạm nghiền xi măng là 670,342m2. Diện tích quy hoạch đường giao thông kết nối và đường dân sinh vào khu dân cư Hải Thịnh là 20.602,98m2.

Về vấn đề pháp lý môi trường, được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt báo cáo tác động môi trường vào ngày 4/2/2016 và Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường ngày 9/12/2019.

Thứ hai, dự án Cảng biển Vissai được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào ngày 12/11/2015 có diện tích 407,15ha bao gồm 3 bến tàu quốc tế và 7 bến nội địa.

Về vấn đề pháp lý môi trường, được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường vào ngày 21/5/2020.

24-the-hung-1.jpg
Người dân chặn xe chở nguyên vật liệu vào cảng

Tại buổi đối thoại, ông Trị cũng dẫn lại một số sự cố trong quá trình sản xuất có phát tán bụi ra môi trường của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam. Ông Trị cho biết những phản ánh của người dân là có cơ sở. Phía BQL đã vào cuộc kiểm tra, đề nghị công ty báo cáo, rà soát và xử lý.

"Về gỗ dăm, bột đá, quặng là hàng rời được cấp phép ở cảng. Chúng tôi đề nghị công ty có quan trắc tự động cần chuyển về xã, về xóm các thông số để người dân hiểu, giám sát các chỉ số trong phạm vi cho phép về đánh giá tác động môi trường", ông Trị nói.

Có mặt tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Oánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xi măng Sông Lam, đại diện cho đơn vị mình công tác, gửi lời xin lỗi tới người dân vì để dự án ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong thời gian qua.

Trả lời thắc mắc của người dân về téc chứa nước mà người dân nghi là nước thải, ông Oánh khẳng định: “Sản xuất xi măng không có nước thải mà chỉ có nước làm mát và nước sinh hoạt”.

Giải thích rõ vấn đề này, ông Oánh cho hay, thời gian qua do nước khu vực nhà máy bị nhiễm mặn nên công ty phải dùng xe chở nước từ kênh nhà Lê về pha loãng vào nước ở đó để làm mát tránh nhiễm mặn, hư hỏng máy móc.

Không đánh đổi môi trường để làm kinh tế

Cuộc sống con người, sức khỏe là điều quan trọng nhất, muốn có sức khỏe tốt thì trước hết phải có môi trường trong lành. Thủ tường Chính phủ đã từng chỉ đạo kiên quyết: “ Không đánh đổi môi trường để làm kinh tế”. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường tại khu vực xã Nghi Thiết huyện Nghi Lộc để có biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm, trả lại môi trường xanh, sạch đẹp cho người dân nơi đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nghệ An: Dân chặn xe tải vào cảng, chính quyền và doanh nghiệp tổ chức đối thoại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.