Váng bẩn nổi lên mặt nước và mùi tanh nồng trong nước sinh hoạt của người dân TP. Vinh
Nhắc đến nguồn nước sinh hoạt của địa phương mình, ông Bạch Xuân Hường, trú xóm Kim Hợp, xã Nghi Ân, TP.Vinh cho biết: Hơn 10 năm nay, nguồn nước giếng ở đây bị ô nhiễm nặng, có mùi tanh nồng. Mỗi lần bơm nước lên bể để lọc là váng bẩn nổi lên từng lớp nhưng gia đình tôi vẫn phải dùng. Cũng có nhiều công ty tư vấn bán máy lọc nước đến lấy mẫu làm xét nghiệm và cho kết luận nguồn nước ở đây ô nhiễm nặng, nhiễm sắt, phèn không thể sử dụng để ăn uống. Thế nhưng do không có nước sạch nên bắt buộc chúng tôi phải dùng nguồn nước giếng khoan này để ăn uống, sinh hoạt. Chúng tôi rất lo ngại về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là những bệnh nan y.
Không chỉ giếng nước mới bị cáu vàng do nước bẩn bám vào mà những vật dụng nấu nướng trong nhà ông Hường cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước này. Dưới đáy ấm nước mà gia đình ông Hường dùng để nấu nước uống hàng ngày, một lớp cặn vàng bám chặt thành lớp dày.
Ông Hường cho biết thêm: Nguồn nước bị nhiễm sắt rất nặng. Tôi đã phải thay chuyển vị trí khoan giếng nhiều lần. Vì cứ sử dụng được khoảng 2 năm là chất sắt bám chặt thành ống không thể bơm nước lên được. Mỗi lần như vậy, tôi phải thuê thợ đến khoan chuyển vị trí giếng bơm nơi khác để có nước sinh hoạt hàng ngày. Chi phí chuyển giếng rất tốn kém.
Tương tự, tại xã Nghi Ân có trên 2.100 hộ dân cũng đang phải gồng mình sống chung với nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ngày một ô nhiễm và cạn kiệt. Ông Nguyễn Đình Trúc – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân chia sẻ: Do dân cư trên địa bàn ngày càng đông, sản xuất phát triển, lượng nước thải, rác thải hàng ngày khá lớn. Xã chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải mà phần lớn chảy trực tiếp ra môi trường, lâu ngày ngấm xuống lòng đất. Vì vậy, nguồn nước ngầm nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều vùng, nước bị nhiễm sắt, nhiễm phèn, nhưng nhân dân vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước nào khác.
Nước sinh hoạt ô nhiễm nặng và ngày càng cạn kiệt làm người dân rơi vào cơn “khát” nước sạch trầm trọng
Hiện, trên địa bàn TP Vinh có 4 xã từ các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên cắt chuyển về sáp nhập TP Vinh từ năm 2008, gồm: Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức, Hưng Chính và 4 xóm của Hưng Thịnh sát nhập vào Vinh Tân, phần lớn hộ dân chưa được sử dụng nước sạch. Trong đó, xã Nghi Ân, Nghi Đức 100% hộ dân phải dùng nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày. Các xã Nghi Liên, Hưng Chính tỷ lệ dùng nước máy mới đạt gần 60%.
Trước thực trạng trên, TP Vinh đã xây dựng đề án cấp nước máy cho các xã mới sáp nhập. Đồng thời phối hợp với Công ty cấp nước Nghệ An khảo sát hiện trạng cụ thể của từng địa phương. Tại Quyết định số 3588/QĐ-UBND-CN ngày 18/8/2008, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt đề án cấp nước sạch cho các đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2008 – 2020. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đề án xây dựng nhiều năm nay nhưng mãi đến cuối năm 2016, UBND TP Vinh mới ban hành Quyết định số 6911/QĐ-UBND phê duyệt đề án xây dựng hệ thống cấp nước máy cho các xã sát nhập vào TP Vinh.
Dự án có tổng kinh phí trên 88 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 5 năm. Trong đó, bố trí 56 tỷ đồng xây dựng mạng đường ống cấp 2 và 32 tỷ đồng xây dựng mạng đường ống cấp 3, đấu nối trực tiếp đến tận từng hộ dân ở các xã ngoại thành chưa có nước máy. Nguồn vốn thực hiện dự án được huy động từ nguồn lực nhân dân, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước. Còn đối với đường ống cấp 1 do Công ty cấp nước Nghệ An thực hiện theo kế hoạch phát triển, thay thế, cải tạo mạng đường ống. Nguồn vốn được trích trong dự án Hệ thống cấp nước vùng phụ cận thành phố Vinh và Khu công nghiệp Nam Cấm.
Ông Nguyễn Quốc Thắng – Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vinh cho biết: Việc đầu tư hệ thống cung cấp nước máy trước đây chủ yếu do ngân sách Nhà nước đảm nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước để đầu tư thì thời gian xây dựng sẽ kéo dài, nhu cầu sử dụng nước máy của nhân dân không được đáp ứng kịp thời.
Và chính tình trạng trì trệ của dự án làm người dân TP. Vinh vẫn phải oằn mình chống chọi với cơn “khát” nước sạch.
Võ Huyền