Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 561 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư, tổng công suất thiết kế 79.985 m3/ngày đêm, cấp nước cho 118 nghìn người. Công suất khai thác là 39.972 m3/ngày đêm, đảm bảo nước sinh hoạt cho khoảng 112 nghìn người và các điểm công cộng khu vực nông thôn gồm 492 công trình nước tự chảy và 69 công trình bơm dẫn.
Nhằm đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2025-2029, ngày 28/6/2024, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 499 đảm bảo an toàn cấp nước trên địa bàn.
Nội dung Kế hoạch nêu rõ:
Về mục tiêu tổng quát, tỉnh thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nước liên tục, đủ lưu lượng, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó có 55 - 56% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn, số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 30% trở lên; 100% công trình cấp nước tập trung hoạt động bình thường, trong đó 60% hoạt động bền vững. Tỷ lệ cấp nước tập trung khu vực nông thôn trên toàn tỉnh lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 10% trở lên.
Về phạm vi, Kế hoạch được triển khai trong hoạt động dịch vụ sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt đối với hệ thống cấp nước tập trung nông thôn có công suất cấp nước sạch sinh hoạt từ 100m3/ngày đêm trên địa bàn Nghệ An.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý tài sản công trình cấp nước; vận hành, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Về yêu cầu đối với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, UBND tỉnh yêu cầu đảm bảo cấp nước liên tục, ổn định đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định; các hạng mục, công trình thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch đến khách hàng được quản lý, vận hành, bảo dưỡng theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật; có phương án kiểm soát các nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong hệ thống từ nguồn nước đến khách hàng và biện pháp cấp nước dự phòng trong trường hợp xảy ra gián đoạn cấp nước trên 48 giờ; có cơ chế quản lý tài chính rõ ràng, doanh thu đủ bù đắp chi phí và có tích lũy phục vụ công tác duy tu, sửa chữa nhỏ và khắc phục sự cố; đảm bảo được cấp đăng ký, cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Về nội dung và giải pháp thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện có hiệu quả cấp nước an toàn khu vực nông thôn bằng việc lập và phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn đối với các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đồng thời, nâng cao và kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt bằng tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sinh hoạt theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương sử dụng cho mục đích sinh hoạt; bố trí huy động nguồn lực đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chất lượng cấp nước các công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu nhân dân, nhất là vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa.
Công tác quản lý, vận hành khai thác tài sản công trình nước đúng quy định. Quan tâm công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cung cấp nước sạch nông thôn, đảm bảo chất lượng.
UBND tỉnh giao các sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND cấp huyện; các đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn căn cứ kế hoạch này để triển khai thực hiện. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trước 15/12 hàng năm. Nếu có vướng mắc thì báo cáo về UBND tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.