(Moitruong.net.vn) – Các hộ gia đình dọn đến ở khu tái định cư (TĐC), tuy nhiên một số hạng mục hạ tầng khu dân cư vẫn chưa hoàn thiện. Cụ thể, hệ thống đường trong khu dân cư chưa xong, một số tuyến đã được trải nhựa, một số tuyến đang còn thi công dỡ dang; hệ thống dẫn nước sạch đã lắp đặt nhưng chưa có nước.
Nhiều hạng mục khu tái định cư vẫn còn dang dở
Thông tin trên Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Anh Tấn – Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, TP. Vinh cho biết: Để thực hiện dự án đường 72m (TP. Vinh – Hưng Tây), 177 hộ dân thuộc các xóm Yên Bình, Mai Lộc, Trung Tiến và Trung Thuận, xã Hưng Đông buộc phải tái định cư về nơi ở mới. Theo đó, UBND TP. Vinh đã tiến hành xây dựng ba khu tái định cư tại xã Hưng Đông, gồm: Khu tái định cư Mai Lộc, khu tái định cư Trung Thuận và khu tái định cư Yên Bình. Theo ông Tấn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đến này đã có 176 hộ dân bàn giao mặt bằng cho dự án, nhiều hộ gia đình bàn giao mặt bằng từ thời điểm cuối năm 2016.
Anh Nguyễn Xuân Bắc, một hộ gia đình ở khu tái định cư này cho hay: “Đây là đất của bố mẹ tôi, trước đây gia đình tôi ở xóm Mai Lộc, xã Hưng Đông, chấp hành chủ trương của Nhà nước về thực hiện dự án đường 72m, gia đình chúng tôi bàn giao mặt bằng trước 31/12/2016. Thời điểm đó, mặc dù thời điểm cận tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhưng gia đình tôi vẫn bàn giao mặt bằng, thuê nhà ở để đón Tết, nhường mặt bằng cho dự án. Thế nhưng, từ khi đến khu tái định cư xây nhà mới đến nay đã 7 tháng trôi qua nhưng chúng tôi không có nước sạch để sử dụng, nước sạch để sinh hoạt và phục vụ cho việc xây dựng nhà đều phải mua lại với giá cao hơn rất nhiều lần. Dân ở đây phản ánh lên các cấp nhiều lần nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết, nước vẫn chưa có dùng…”.
Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Quý ở khu tái định cư Trung Thuận không khỏi bất bình: “Nếu có việc di dân tái định cư một lần nữa, chắc chắn chúng tôi không nghe theo lời vận động nữa đâu, người ta hứa xong rồi “đem con bỏ chợ, sống chết mặc bay”, ai muốn làm thế nào, sống thế nào thì mặc kệ”. Chỉ vào chậu nước đen ngòm, ông Quý nói thêm, nước đi mua giá cao nên phải dùng rất tiết kiệm, rửa cái này, tận dụng để rửa cái khác không dám phung phí.
Nằm cách khu tái định cư Trung Thuận không xa, khu tái định cư Mai Lộc cũng đang trong tình trạng dỡ dang nhiều hạng mục, tại đây cũng chưa có điện chiếu sáng, chưa có nước sạch, vỉa hè ngổn ngang… Ông Trần Văn Định, một hộ dân đang làm nhà ở đây, cho biết: Nơi ở cũ chúng tôi đã có đầy đủ điện, nước sạch để dùng, khi vận động chủ đầu tư hứa hẹn về nơi ở mới cũng được tạo điều kiện hết sức. Vậy mà giờ cả khu tái định cư này chẳng có nước sạch, chẳng điện mà dùng? Nói rồi ông Định chỉ tay vào đường cấp nước phơi khô trên vỉa hè rồi quay sang chỉ về chiếc bóng đèn đang leo lét khi trời đã nhá nhem tối. Theo lời ông Định, hiện tại nước dùng cho việc xây dựng gia đình ông phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm mặn, nước sạch sinh hoạt thì phải mang từ nơi ở trọ đến dùng, còn điện thì sử dụng điện công trường nhưng không đảm bảo, vì điện quá yếu.
Chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”
Đường ống dẫn nước sạch phơi khô trước nhà dân
Mặc dù các cơ quan chức năng đã lý giải cho sự chậm trễ của mình, song đến thời điểm hiện tại, người dân cả ba khu tái định cư Mai Lộc, Trung Thuận, Yên Bình vẫn chưa được đấu nối nước sạch để sử dụng; hai khu tái định cư Yên Bình, Trung Thuận đã có điện, riêng khu Mai Lộc dân vẫn chưa có điện sinh hoạt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các khu tái định cư nói trên đều do Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Vinh đại diện làm chủ đầu tư xây dựng, tại khu tái định cư Mai Lộc do Công ty xây dựng Đại Thắng thi công; khu tái định cư Trung Thuận do Công ty CPTM và XL An Phú và khu tái định cư Yên Bình do công ty xây dựng Tân Thắng thực hiện.
Lý giải về việc người dân các khu tái định cư chưa có điện, nước sạch, ông Nguyễn Tất Sơn – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Vinh, cho hay: “Thời gian qua, chúng tôi cũng đã đốc thúc nhà thầu thực hiện dự án và trực tiếp làm việc với nhà máy cấp nước. Tuy nhiên, phía Công ty cấp nước Nghệ An cho rằng chủ đầu tư cần phải bỏ thêm chi phí liên quan đến vật tư, công kỹ thuật từ đường ống cấp 3 đến từng hộ gia đình. Chúng tôi cho rằng, yêu cầu của phía Công ty cấp nước Nghệ An không đúng quy định, bởi các hộ dân trước khi tái định cư đã có hợp đồng sử dụng nước, khi họ di chuyển thì Công ty cấp nước đã thu đồng hồ và nay chỉ cần lắp lại đồng hồ nước cũ là được. Về phần điện, hiện chúng tôi đã làm việc với đơn vị cung cấp, chắc nay mai phía Công ty Điện lực Nghi Lộc sẽ tiến hành đấu nối”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty cấp nước Nghệ An cho biết: Sau khi súc xả hệ thống, thử áp lực chúng tôi đã tiến hành đấu nối nước đến hệ thống đường ống cấp 3 của các khu tái định cư. Việc còn lại là đấu nối từ đường ống cấp 3 vào các hộ dân, tuy nhiên, để thực hiện việc này, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chủ đầu tư, nhà thầu và Công ty cấp nước Nghệ An trong thời gian tới.
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, những phản ánh của người dân ở các khu tái định cư nói trên là có cơ sở, những bức xúc của người dân ở đây thời gian qua là điều dễ hiểu. Chúng tôi cho rằng, chủ đầu tư dự án cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp quyết liệt hơn với đơn vị thi công, thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, tạo niềm tin vững chắc cho người dân tái định cư. Không thể để tái diễn tình trạng “sống chết mặc bay” như thời gian qua.
Phạm Tuân – Thành Vinh