Nghệ An: Người trồng mía lo lắng vì rệp xơ bông trắng xuất hiện bất thường

Văn Dũng|29/06/2017 03:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Thời gian đầu, rệp chủ yếu xuất hiện ở những diện tích mía lưu gốc trồng trên đất bãi, sau đó xuất hiện cả trên mía mới trồng, trồng trên đất đồi vệ.

 Người trồng mía lo lắng vì rệp xơ bông trắng xuất hiện bất thường

Thông tin trên Nông nghiệp, ông Dư Xuân Định, chủ hộ trồng mía tại thôn 1, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ cho biết, hầu hết diện tích mía của thôn đã bị rệp xơ bông trắng tấn công với tỷ lệ 10 – 15%. Thời gian đầu, rệp chủ yếu xuất hiện ở những diện tích mía lưu gốc trồng trên đất bãi, sau đó xuất hiện cả trên mía mới trồng, trồng trên đất đồi vệ.

“Những năm trước, rệp xơ bông trắng chỉ xuất hiện trên cây mía từ tháng 8 đến cuối năm. Nhưng năm nay, mới cuối tháng 4 rệp đã xuất hiện và lây lan nhanh. Một số diện tích đã có dấu hiệu cháy cục bộ. Đây là hiện tượng lạ ở địa phương từ hàng chục năm nay. Rệp xuất hiện ở giai đoạn này, nếu không phun trừ kịp thời thì không những năng suất, chất lượng giảm mà còn có nguy cơ khiến khả năng lưu gốc kém, ảnh hưởng đến mùa sau”, ông Định cho biết.

Đây cũng là lo lắng chung của người trồng mía ở xứ Nghệ. Theo thống kê, toàn huyện Tân Kỳ hiện có 197,3ha bị nhiễm rệp xơ bông trắng (chỉ thống kê diện tích có tỷ lệ nhiễm trên 10%). Riêng xã Hương Sơn có 42ha, nhiều nhất là xã Nghĩa Đồng với 105ha. Tính đến thời điểm cuối tháng 6, người trồng mía Tân Kỳ đã phun trừ được gần 150ha.

Theo ông Nguyễn Văn Trình, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt & BVTV huyện Tân Kỳ, rệp xuất hiện rải rác ở nhiều cánh đồng mía nhưng ngành chức năng chỉ thống kê những diện tích nhiễm trên 10%. Đầu tháng 6/2017, Trạm đã có công văn hướng dân nông dân phòng trừ rệp xơ bông trắng.

Ông Trình cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc rệp xơ bông trắng xuất hiện sớm là do năm nay thời tiết thuận lợi, mưa nhiều từ đầu vụ nên cây mía phát triển nhanh. Thời tiết nắng nóng không kéo quá dài kèm theo mưa, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để rệp xuất hiện và phát triển.

“Người trồng mía cần cân nhắc thời điểm sử dụng thuốc phun trừ. Khi tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, không nên sử dụng thuốc phun trừ mà phải tỉa lá, vệ sinh, thu gom lá nhiễm bệnh đem đốt. Những cây bị nhiễm nặng có thể phá bỏ. Khi tỷ lệ nhiễm bệnh từ 15 – 20% mới thực sự cần sử dụng hóa chất phun diệt nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Do vòng đời các đối tượng thiên địch dài hơn rệp, nếu phun quá sớm, các đối tượng thiên địch bị tiêu diệt cũng sẽ tạo điều kiện để rệp xuất hiện và gây hại lớn hơn ở những vụ sau”, ông Trình chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Dư Xuân Định lại cho rằng do rệp xuất hiện sớm ở thời kỳ đầu của sinh trưởng phát triển, nếu tỉa lá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của cây mía. Bên cạnh đó, do lá nhiều, việc phun trừ gặp rất nhiều khó khăn khiến rệp lây lan nhanh.

“Thu gom để đốt, tiêu diệt trong điều kiện như hiện nay là rất khó khăn và không hiệu quả. Chúng tôi phải dùng loại bình phun công suất lớn, có khả năng lật tung lá khi phun thì hiệu quả phun trừ rệp mới cao. Nếu để rệp sinh trưởng, phát triển thì năm nay sẽ có dịch to, người trồng mía sẽ thất thu”, ông Định khẳng định.

Ông Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng ban Phát triển nguyên liệu Cty CP Mía đường Sông Con cho biết, đã cung ứng cho bà con thuốc ANBOOM 40 EC để phun trừ rệp. Đây là thuốc diệt rệp có chứa hoạt chất tự phân hủy ngoài môi trường sau 7 – 10 ngày phun, không thẩm thấu xuống đất.

“Trong điều kiện hiện nay không thể không sử dụng thuốc. Vẫn còn một số hộ cho rằng, rệp tự sinh ra sẽ tự chết nhưng thực chất, chúng phát triển rất nhanh, lây lan nhanh, gây hại cao. Vì thế, nếu không vào cuộc kịp thời, người trồng mía sẽ trắng tay”, ông Hải lo lắng.

Văn Dũng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Người trồng mía lo lắng vì rệp xơ bông trắng xuất hiện bất thường