Nghệ An: Sáng kiến tưới cây không dùng điện của nông dân Thanh Xuân

Hạ Vy|08/06/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong lúc nông dân nhiều địa phương đứng ngồi không yên trước cảnh nắng hạn, cắt điện luân phiên, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng thì những “lão nông” ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương) lại thoải mái dẫn nước về ruộng mà không tốn một đồng tiền điện nào.

8-tcay.png
Đặt ống dẫn nước từ hồ trên cao về ruộng dưới thấp, nông dân xã Thanh Xuân không phải dùng điện mà vẫn thoải mái nước tưới cây 

Trồng 13 sào bí, những ngày nắng nóng gay gắt lại thường xuyên mất điện nhưng anh Nguyễn Quang Hà ở xóm Ngũ Cẩm, xã Thanh Xuân chưa lo lắng về nguồn nước tưới. “Chủ động hết rồi, 13 sào bí chưa khi nào thiếu nước tưới. Với lại, bơm tưới thỏa thuê mà không cần điện, đỡ chi phí rất nhiều”, anh Hà cho biết.

Ở gần đập Trảng Không, tận dụng nguồn nước đập dồi dào, các ruộng bí nằm phía dưới chân đập, thấp hơn mực nước đập 2-3m. Do đó, anh Hà mua đường ống cao su về đấu nối, tự chế thành hệ thống nước tự chảy. “Vận dụng quy luật “nước chảy về chỗ trũng” nên tôi mua đường ống cao su loại bán kính to, đấu nối kéo nước từ đập thủy lợi để tưới cho các vườn bí. Chi phí đầu tư đường ống hết khoảng 1,5 triệu đồng, kéo từ đập vào vườn nhưng bù lại, không mất đồng tiền điện nào để bơm tưới”, anh Hà cho biết.

Cách vận hành hệ thống nước tự chảy này hết sức đơn giản, đó là nước chảy từ cao xuống thấp, khi nước vào đầy đường ống, áp suất không khí không còn sẽ tạo ra lực chảy mạnh, muốn dẫn nước đi đến đâu thì chỉ cần nối thêm đường ống vào, miễn sao đảm bảo chỗ cấp nước luôn cao hơn chỗ cần bơm tưới. Khi không dùng nữa chỉ cần khóa ống nước lại, nếu để lâu ngày, rong rêu, ốc bùn bám vào đường ống khiến nước chảy yếu thì chỉ cần dùng máy bơm, bơm “mồi” khoảng 5 phút để sục đường ống là lại vận hành được như cũ.

Nhờ cách làm này mà dù trồng 13 sào bí, một mình anh vẫn đảm đương việc chăm sóc bí xanh tốt, năng suất cao, sản lượng cao.

“Chỉ cần một động tác mở khóa dẫn, nước tự chảy vào các rãnh bí, đầy rãnh thì thấm vào luống, vào gốc bí, không tốn công, không mất chi phí”, anh Hà phấn khởi.

Vụ xuân vừa rồi, 10 sào bí đã mang về cho gia đình anh 300 triệu đồng lãi ròng. Trong khi, người dân các vùng khác lo thiếu nước, thiếu điện bơm tưới cho bí nên không dám mở rộng diện tích thì hộ anh Hà lại tăng thêm 3 sào khi anh chủ động hoàn toàn nước tưới.

8-tuoi-cay.png
Nước dẫn đầy các đường ống sẽ tạo áp suất đẩy qua những lỗ nhỏ giống như tưới phun mưa

Cũng giống như gia đình anh Hà, vụ hè thu này, hộ anh Bùi Văn Đại cũng làm đến 6 sào bí. Nguồn nước tưới cũng chủ động bằng hệ thống nước tự chảy dẫn từ mương nước trước nhà về đến chân ruộng.

“Nếu không có hệ thống tưới tự chảy này thì tốn kém khá nhiều tiền điện bơm tưới; nếu mất điện liên tục như hiện nay thì việc sản xuất bí hè thu gặp rất nhiều khó khăn, giá bí chắc chắn không cao bằng vụ xuân trong khi chi phí dùng xăng, dầu chạy máy nổ để tưới tốn gấp cả chục lần so với dùng điện”, anh Đại cho biết.

Vụ hè thu này, toàn xã Thanh Xuân cơ cấu 6 ha bí xanh hàng hóa. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tố Như cho biết vụ hè thu gặp nhiều khó khăn: Đầu vụ nắng hạn gay gắt, thiếu điện, thiếu nước bơm tưới, trong khi giá bí thấp thua so với giá bí vụ xuân khi các tỉnh phía Bắc rộ mùa thu hoạch.

Do đó, chúng tôi chỉ đạo chỉ đưa giống bí vào sản xuất ở những vùng chủ động nguồn nước tưới. Đặc biệt là những diện tích gần hồ, đập, mương máng để người dân lắp đặt, đấu nối hệ thống nước tự chảy. Trên địa bàn xã có 5 hồ, đập lớn nhỏ, rất thuận lợi cho người dân dẫn nước về ruộng bí theo hình thức tự chảy.

Với cách làm này, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm công sức và đặc biệt, không lo bí gặp hạn khi gieo trồng vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm. Bên cạnh đó, các hộ trồng bí ở xa hồ, đập thì tận dụng nước giếng khoan tưới cho bí, để tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, người dân đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa.

Bà Bùi Thị Kiểm ở xóm Xuân Hiền, xã Thanh Xuân cho biết: “Vụ hè thu này là vụ thứ 2 gia đình tôi trồng cây bí xanh. Diện tích 3 sào, nước tưới bơm từ giếng khoan. Vụ bí này, do nắng hạn kéo dài nên khi có điện thì vận hành tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa. Còn khi mất điện thì lấy nước từ bể trữ, dẫn nước tự động vào các rãnh để nước tự ngấm vào luống bí. Do đó, không cần phải phụ thuộc vào điện, vào máy phát”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Sáng kiến tưới cây không dùng điện của nông dân Thanh Xuân