PV: Thưa NSƯT Tiến Hợi, cơ duyên nào đã đưa ông đến với các vai diễn về hình tượng Bác Hồ?
NSƯT Tiến Hợi: Lần đầu tiên tôi được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1987 trong vở kịch Đêm Trắng của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 (tác giả Lưu Quang Hà; đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang).
“Lúc đấy tôi còn trẻ, mới 28 tuổi. Đoàn đã có ý định mời một số người đi trước đã từng đóng vai Bác Hồ trong nhiều vở diễn khác để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Đêm Trắng. Tuy nhiên, đặc thù của đoàn là đi diễn ở các nơi vùng núi phía Bắc, phục vụ các chiến sĩ rất vất vả, nếu thuê cũng rất khó khăn.
Đạo diễn đã chọn ra hai người trong đoàn để thử hóa trang, trong đó có tôi. Khi chụp ảnh gửi về đoàn, không ngờ mọi người đánh giá cao, trông dáng dấp từ khuôn mặt, ánh mắt, phom dáng giống y hệt Bác, nên tôi đã được chọn” – NSƯT Tiến Hợi nhớ lại.
Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi và cái duyên với vai diễn Bác Hồ
Nhận vai diễn, tôi đến Hãng phim Tài liệu Quân đội, mượn một số phim tài liệu nói về Bác Hồ. Xem những thước phim tài liệu về Bác. Ngoài ra, tôi còn đến Đài Tiếng nói Việt Nam, tới Viện lưu trữ để sao lục một số băng các bài phát biểu, nói chuyện của Bác Hồ. “Nghe làm sao để âm lượng chất giọng của Bác. Tai nghe của tôi thẩm thấu vào, để nghe được âm thanh và hình ảnh của Bác lúc nào cũng vang vọng trong tâm trí mình.”.
Sau hơn 2 tháng tập luyện, vở diễn ra mắt tổng duyệt tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Các quan khách Bộ Chính trị, các Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo Quân đội tới dự. Buổi duyệt đầu tiên này đã tạo được cảm xúc mạnh mẽ đối với khán giả. Khi hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên sân khấu, toàn bộ khán giả đứng dậy vỗ tay và không kìm được cảm xúc. Khán giả dâng trào nước mắt vì xúc động. Cả hội trường sân khấu vỡ òa và vỗ tay rất lớn.
Kết thúc vở diễn đấy rất nhiều người lên tặng hoa. Tôi còn nhớ hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tặng hoa khi vở kịch kết thúc. Đại tướng đã khóc, nhưng miệng vẫn cười và chỉ nói mấy từ: “Cảm ơn, cảm ơn nhiều”.
Bác Vũ Kỳ xem xong, chạy vào tận phòng hóa trang, yêu cầu tẩy trang để ngắm người đóng vai Bác Hồ này như thế nào. Khi tẩy trang xong, tôi nhìn thấy bác Vũ Kỳ mắt đỏ hoe, cứ ôm ghì, vỗ vai tôi nói: “Tốt lắm, tốt lắm, hay lắm, cố lên nhé!”.
PV: Khi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thấy điều gì khó nhất để thể hiện được thần thái của Bác?
NSƯT Tiến Hợi: Những bộ phim tôi đã từng đóng, đã diễn ở sân khấu cái quan trọng nhất là thần thái, phong cách của Bác Hồ, diễn làm sao cho dung dị, mộc mạc. Tôi nghiên cứu về Bác thì thấy Bác gần gũi, thân thương, phong cách sống rất đơn giản, mộc mạc. Bác đi thăm hỏi, động viên từng người một. Bác chia sẻ những tình cảm. Bác dạy dỗ, bảo ban nhắc nhở các cháu nhi đồng, thăm hỏi các cụ già, bộ đội chiến sĩ. Chính vì thế khi diễn phải toát lên thần thái.
Riêng vở kịch “Đêm Trắng” đoàn diễn hơn 300 buổi và đi đến đâu cũng được khán giả đánh giá rất cao. Vở kịch “Đêm Trắng” là điểm sáng đi vào lịch sử nền sân khấu Việt Nam trong giai đoạn đó.
Đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai diễn Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh
PV: Một trong những thành công của ông khi vào vai Bác Hồ đó là thể hiện giọng nói của Bác bằng giọng Nghệ An, vậy để luyện tập được giọng nói giống Bác như vậy thì ông có mất nhiều thời gian không?
NSƯT Tiến Hợi: Đầu tiên, tôi may mắn là có quê nội ở thành phố Vinh, Nghệ An. Sau này bố mẹ tôi ra Hà Nội sinh sống, làm việc và tôi được sinh ra tại Hà Nội nhưng nói gì thì nói, mình vẫn còn một cái dư âm dòng máu của xứ Nghệ.
Thứ hai, đó là mỗi một lần diễn xuất về Bác tôi thường phải ôn lại, thông qua kịch bản, nhẩm đi nhẩm lại để làm sao thể hiện được giọng nói chuẩn nhất, phù hợp nhất, đúng với “tông” giọng của Bác ngày xưa. Tuy nhiên, có thể chưa đạt được đến những điều mong muốn thế nhưng khán giả nghe, xem và họ cảm nhận được đó đúng là Bác.
PV: Xin ông cho biết, thể hiện vai Bác Hồ trên điện ảnh, truyền hình thì có gì khác so với sân khấu?
NSƯT Tiến Hợi: Thực sự là khác nhiều, sân khấu có cái khó là một mạch kịch diễn từ đầu đến cuối, diễn viên không thể sửa sai được, sai là hỏng. Vì vậy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tập trung cao độ. Sân khấu thì mang tính cách điệu nhiều, khuôn viên sân khấu hẹp, người nghệ sĩ thể hiện tất cả những trạng thái tâm lý theo tuyến nhân vật, từng cảnh một. Thêm nữa, trên sân khấu, tâm lý, trạng thái, cảm xúc của nhân vật theo mạch từ đầu đến cuối nên cũng dễ hơn. Đối với điện ảnh lại khác hoàn toàn. Điện ảnh có thể quay các cảnh đảo đi đảo lại, bắt buộc người nghệ sĩ phải theo dõi kịch bản để kích tâm lý của mình lên. Do vậy, mạch tâm lý bị ngắt đi. Tuy nhiên, cái dễ trong điện ảnh là có thể tập nhuần nhuyễn rồi mới quay, được phép sáng tạo, nghiên cứu, bổ sung những chi tiết vào nhân vật để làm sao cho nhân vật đầy đặn hơn.
PV: Đến nay, ông đã có rất nhiều lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và các phim điện ảnh hay phim truyền hình, bên cạnh đó là hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm, vậy bí quyết thành công ở các vai diễn đó là gì?
NSƯT Tiến Hợi: Đã là nghệ sĩ, khi được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các giai đoạn lịch sử từ trẻ đến già, bắt buộc người nghệ sĩ phải nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, xem, nghe, rèn luyện, tu dưỡng để làm sao vai diễn của mình phù hợp nhất, thành công nhất. Hơn nữa, trong mỗi vai diễn, nghệ sĩ phải toát lên thần thái của Bác, luôn trong sáng, đầy tình thương, lo cho dân, vì dân.
PV: Ông có gợi mở gì cho các diễn viên thế hệ sau này khi thể hiện vai diễn Bác Hồ?
NSƯT Tiến Hợi: Trước kia, thế hệ của các chú, các anh đã từng tham gia hoạt động cách mạng, viết được những kịch bản về Bác vô cùng xuất sắc, điều này cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của một người diễn viên như tôi. Ngày nay, người trẻ rất ngại đụng chạm đến đề tài này bởi chúng ta bắt buộc phải tôn trọng lịch sử, nắm được rõ chặng đường hoạt động của Bác, vậy thì việc vừa bảo đảm độ chính xác vừa phải sáng tạo sao cho hấp dẫn là không dễ dàng. Các nghệ sĩ sau này, ai muốn tâm huyết với vai diễn Bác Hồ thì tôi cũng rất mong họ tìm nhiều phim tư liệu để xem, nghe nhiều băng ghi âm Bác nói chuyện và nghiên cứu thật chi tiết để làm sao có được thần thái gần giống Bác. Điều quan trọng nữa là mỗi người diễn viên phải luôn cố gắng tập trung, quyết tâm và tự tin để tạo được ấn tượng tốt với khán giả.
PV: Xin cảm ơn NSƯT Tiến Hợi! Chúc nghệ sĩ luôn mạnh khỏe và có nhiều đóng góp hơn nữa cho nền sân khấu và điện ảnh nước nhà!
Hà Anh