Người dân miền Tây phát triển kinh tế theo hướng “thuận thiên”

Lan Hạ|29/04/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau hơn 5 năm Nghị quyết 120/NQ-CP đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương và người dân miền Tây đã và đang từng bước xây dựng những mô hình sản xuất “thuận thiên”, tạo sinh kế phát triển bền vững.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được ban hành ngày 17/11/2017 với tinh thần chủ đạo: chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy con người làm trung tâm; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH…

288.png
Nông dân Chợ Lách tích nước trữ ngọt trong hồ nổi phòng chống hạn mặn

Tích nước ngọt, né nước mặn

Tháng 3/2023, cao điểm mùa khô, nước mặn lấn sâu vào các cửa sông khoảng 40-50km. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân, giờ chuyện nước mặn xâm nhập sâu là chuyện bình thường, bởi họ đã có kinh nghiệm và chủ động với các mô hình sản xuất để giữ sinh kế trong mùa hạn mặn.

Hơn 20 năm trước, nông dân miền Tây phải xuống giống sớm vụ lúa hè thu để né lũ từ dòng Mê Công về vào tháng 8. Nay người dân miền Tây đã bắt đầu tích nước ngọt, chủ động né mặn xâm nhập cục bộ trong mùa khô hạn. Những ngày cuối tháng 3-2023, người dân trồng cây ăn trái các tỉnh như Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng... đã sẵn sàng ứng phó với chuyện nước mặn xâm nhập theo con nước lớn. Nhà vườn nào cũng đã nhận ra việc theo dõi độ mặn, đào mương tích nước ngọt, tưới tiêu cho cây ăn trái là điều cốt lõi giữ sinh kế.

Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Để có đủ nước ngọt tưới cho cây sầu riêng trồng trên diện tích 5.000m2, gia đình bà đã cẩn thận nạo vét các mương quanh vườn, đắp đập làm nơi trữ nước ngọt.

Ngoài ra, để tiết kiệm nước tưới, gia đình bà còn đắp cỏ dưới chân gốc để giữ ẩm cho cây trong giai đoạn nắng nóng và dùng màng nhựa bịt các đập lấy nước trong vườn không để tránh hất thoát nước.

Tại Vĩnh Long, khi nước mặn 4‰ lấn vào các tuyến sông, hệ thống thông báo CMS đã gửi đến tận ấp, khóm và hệ thống đê bao khép kín được kích hoạt để “chắn dòng nước mặn” cục bộ. Như cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang), xã cù lao Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nằm trên dòng Cổ Chiên, sinh kế của người dân ở đây trông cậy vào cây sầu riêng nên những thông tin về xâm nhập mặn luôn được bà con cập nhật.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), nhờ hệ thống đê bao khép kín cùng với việc nhà vườn ý thức bảo vệ vườn cây, nên trong những năm gần đây, huyện Vũng Liêm đã chủ động và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của người dân. Dù trên địa bàn đã đo độ mặn lên khoảng 5‰ nhưng đến giờ này cây trái vẫn chưa bị thiệt hại gì.

Đưa hoa màu xuống chân ruộng

Với người dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, sau đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 và năm 2020, khiến nhiều gia đình trắng tay, đã có sự thay đổi trong nhận thức về tác động tiêu cực của hạn mặn. Nhiều mô hình sản xuất thích ứng BĐKH đã xuất hiện như chuyển đổi canh tác lúa vụ 3 không hiệu quả sang mô hình đưa các loại giống cây trồng như dưa leo, bắp, các loại bí rau màu xuống chân ruộng, vừa giúp chủ động thích ứng với điều kiện sản xuất trong mùa khô hạn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng phát triển kinh tế theo hướng “thuận thiên”, tỉnh Kiên Giang đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 5.119ha đất lúa sang trồng cây lâu năm (804ha) và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 2.080ha, chuyển đổi đất 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, trồng rau màu, tận dụng mặt nước biển nuôi các loại nhuyễn thể như sò huyết, vẹm xanh… giúp tăng lợi nhuận. Đồng thời, cải tạo đất, nâng cao năng suất, hạn chế dịch hại trên cây trồng, phù hợp đặc điểm sinh thái từng tiểu vùng.

Bài liên quan
  • Hà Tĩnh: Đầu Xuân khám phá nét văn hóa đấu vật nơi miền quê Thuần Thiện
    Moitruong.net.vn – Không biết từ bao giờ, môn vật cổ truyền được người dân Thuần Thiện (Can Lộc, Hà Tĩnh) duy trì, phát huy, nhân rộng cho đến tận ngày nay và được xem như là di sản văn hóa làng xã của mỗi người dân địa phương. Vật cổ truyền được ví như món ăn tinh thần không thể thiếu, là nơi kết tinh sự đoàn kết cộng đồng trong văn hóa làng xã, là nét đẹp truyền thống của dãi đất Hồng Lam. Chính vì vậy, để phát huy nét đẹp truyền thống này, hàng năm vào các dịp Lễ, Tết chính quyền xã Thuần Thiện lại tổ chức Lễ hội đấu vật thu hút hàng trăm nam thanh nữ tú tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân miền Tây phát triển kinh tế theo hướng “thuận thiên”