Hà Tĩnh: Đầu Xuân khám phá nét văn hóa đấu vật nơi miền quê Thuần Thiện

Ngọc Trâm|16/02/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không biết từ bao giờ, môn vật cổ truyền được người dân Thuần Thiện (Can Lộc, Hà Tĩnh) duy trì, phát huy, nhân rộng cho đến tận ngày nay và được xem như là di sản văn hóa làng xã của mỗi người dân địa phương. Vật cổ truyền được ví như món ăn tinh thần không thể thiếu, là nơi kết tinh sự đoàn kết cộng đồng trong văn hóa làng xã, là nét đẹp truyền thống của dãi đất Hồng Lam. Chính vì vậy, để phát huy nét đẹp truyền thống này, hàng năm vào các dịp Lễ, Tết chính quyền xã Thuần Thiện lại tổ chức Lễ hội đấu vật thu hút hàng trăm nam thanh nữ tú tham gia.

Xuân về trên làng vật cổ truyền

Những ngày cuối năm, khi không khí mùa Xuân đang lan tỏa trên từng con đường gốc phố, chúng tôi về làng Thuần Thiện để cùng tìm hiểu, khám phá nét văn hóa “đấu vật” rất đặc sắc và tiêu biểu của người dân địa phương nơi đây. Cho đến nay, chưa ai xác nhận được vật Thuần Thiện hình thành từ bao giờ và cũng chẳng biết ai là tổ sư, nhưng hội vật Thuần Thiện được tôn vinh như một nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân xứ Ngàn Hống bao đời nay.

Thuần Thiện nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh từ ngàn đời, nơi hội tụ sinh khí thịnh vượng. Tương truyền trước đây đàn ông thường lên núi Hồng để săn bắt muông thú, đàn bà lo ruộng vườn nhà cửa, chính vì vậy nên người dân ở đây rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Để có thể săn bắt được thú rừng, đòi hỏi các chàng trai phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe, họ đọ sức cùng nhau bằng vật tay không với những thế võ điêu luyện được truyền đời này qua đời khác. Và cũng từ lúc nào, vật cổ truyền đi vào trong đời sống người dân một cách rất gần gũi, thân thuộc và thuận theo tự nhiên như thế. Hôm nay bên hương xuân sắc thắm, Thuần Thiện đã thay da đổi thịt, nhiều nhà ngói mới khang trang, đường bê tông mở rộng, chính quyền và nhân dân đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Từ một xã khó khăn nhất huyện Can Lộc, giờ đây Thuần Thiện đã đổi mới và thực sự đang là một vùng quê đáng sống.

Các trẻ nhỏ ở Thuần Thiện thường xuyên tự tổ chức đấu vật hàng ngày như vốn dĩ vật cổ truyền được ăn sâu trong máu người dân nơi đây.

Tháng Giêng hàng năm, Thuần Thiện mở hội vật đầu xuân để cầu sức khỏe, bình an, mùa màng tươi tốt, bội thu. Vật Thuần Thiện đã trở thành một nét đẹp văn hóa của địa phương nói riêng và của người dân Hà Tĩnh nói chung, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, đây cũng là dịp tôn vinh những thanh niên cường tráng, ngoài yếu tố vui khỏe những ngày đầu xuân, hội vật còn mang đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân hà Tĩnh lại nô nức về với Thuần Thiện để xem nam thanh nữ tú tranh tài trên sới vật, tô điểm thêm những nét đặc sắc trong bức tranh tổng thể mùa Xuân của quê hương đất nước.

Anh Lê Sỹ Thân sinh năm 1968, là một trong những đô vật nổi tiếng của làng cho biết; Trước đây hội vật Thuần Thiện được tổ chức rất đơn giản, không nhất thiết phải là những thảm đấu chất lượng hay những địa điểm nhất định nào, mà có thể là những bãi đất trống, bãi cỏ xanh, bên cạnh gốc đa hay giữa sân đình. Trước khi diễn ra hội vật, lý trưởng của làng cho seo mỏ mang lễ vật đến thông báo với lý trưởng các làng khác và mời các đô vật đến cùng tham gia tranh tài. Trong hội vật, người cầm trống được coi là quan trọng nhất và đấy phải là một chức sắc hay phú hộ nào đó, chí ít cũng phải là một đô vật già từng nổi tiếng, được mọi người nể trọng. Lễ hội được khai mạc bằng ba hồi chín tiếng trống, sau đó, thêm ba hồi trống dài báo hiệu cho các đấu thủ bước lên lễ đài múa vật để khởi động và biểu dương khí thế bắt đầu cuộc tranh tài.

Hầu hết cuộc so tài của các đô vật Thuần Thiện thường sử dụng các miếng đánh, đòn phản công, hay những kỹ thuật như cõng, quăng, quật, xoắn … hay bằng mẹo riêng của từng người mà các đô vật thường gọi là “chước” ra đòn nào đó buộc đối thủ phải “lấm lưng, trắng bụng” tức là 2 vai chạm xuống đất, bụng ngữa lên trời, thì lúc đó mới được công nhận phần thắng. Các miếng đánh từ ngàn xưa của cha ông truyền lại như miếng “sang sau”, miếng “cuốn”, miếng đánh trên, đánh dưới… vẫn được các đô vật gìn giữ và phát huy trong các trận đấu. Nếu đô vật nào thể hiện được một đòn hay, kỹ thuật đẹp mắt thì sẽ nhận được tràng vỗ tay tán thưởng của bà con dân làng.

Một nét đặc trưng của hội vật là người vô địch (người cầm lèo) được ngồi trên ghế đẩu đối diện với người cầm trống, có các cô thôn nữ xinh đẹp mời nước, mời trầu. Khi hội vật kết thúc, người cầm lèo được làng mời bữa cơm rượu với các chức sắc và được tặng mười lăm vuông lụa vàng. Nếu là người làng khác thì sau bữa tiệc có các cô gái xinh đẹp nhất cùng với các đô vật Thuần Thiện tiễn chân ra tận đầu làng.

Cầm trên tay những tấm huy chương cao quý của các giải thi đấu từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, Anh Thân cho biết thêm; Trai làng chúng tôi không chỉ thi vật với nhau mà khi đi sang các xã khác tranh tài đều thi đấu bách chiến, bách thắng, được nhân dân trong vùng ngưỡng mộ. Không những thế, nhiều người được lọt vào đội tuyển của Sở TDTT Hà Tĩnh đi thi đấu giải quốc gia tại Hà Tây, Bắc Ninh… và dành nhiều huy chương trong nhiều năm liền, có người được tuyển thẳng vào Trường ĐH TDTT, có người được giữ lại làm thầy giáo, huấn luyện viên cho môn vật cổ truyền. Bản thân anh Lê Sỹ Thân cũng là một đô vật được lựa chọn đi thi giải thi đấu quốc gia trong những năm từ 1995 đến 2002 và đạt nhiều thứ hạng cao tại các giải đấu này.

Vật cổ truyền hình thành từ trong máu của mỗi người dân Thuần Thiện

Vật cổ truyền Thuần Thiện mang tính chất dân dã, dường như vật được hình thành từ trong máu của mỗi người dân, đi ra cánh đồng ở những bãi cỏ trống, chúng tôi nhìn thấy nhiều em nhỏ độ tuổi từ 10 – 15 đang vật tự do. Mặc dầu không được học qua trường lớp, không được ai bày dạy nhưng những động tác của các em rất nhanh, chính xác và điêu luyện như những vận động viên chuyên nghiệp. Người dân ở đây cho hay, mỗi lúc nông nhàn nam thanh nữ tú lại tự tổ chức thi vật, họ hò hét cổ vũ cho những người thắng cuộc, giải thưởng chỉ là bát nước chè xanh, nồi khoai lang luộc của các cô các mẹ chuẩn bị, nhưng đầm ấm vô cùng.

Trao đổi với PV moitruong.net.vn, Ông Nguyễn Nam Vũ – Phó chủ tịch UBND xã Thuần Thiện, cũng là một đô vật có tiếng trong làng cho biết “ Vật cổ truyền Thuần Thiện có từ thời xa xưa, trước đây cứ vào những đêm trăng sáng người dân lại tổ chức đấu vật, họ thi đấu cho đến khi trăng tàn mới thôi. Vật cổ truyền Thuần Thiện cứ thế theo thời gian đi vào trong đời sống người dân không hề mai một, cứ đời này tiếp nối qua đời khác, thế hệ này truyền lại cho thế hệ kia. Khoảng 15 năm lại nay, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa của môn vật cổ truyền này, chính quyền địa phương đã tổ chức thành Lễ hội đấu vật vào các dịp Lễ, Tết để người dân có một sân chơi chính thống, bổ ích. Những dịp Lễ này thu hút từ 300 đến 400 các đô vật nam nữ trong làng tham gia, cứ thôn này đấu với thôn kia, người này thua thì cử người khác lên thi đấu với sự cổ vũ nhiệt tình của hàng ngàn khán giả là bà con nhân dân trong xã cũng như trong tỉnh. Trước đây xã đã xây dựng sới vật, tui nhiên theo thời gian sới vật này đã xuống cấp, trong thời gian tới chính quyền chúng tôi đề xuất tỉnh hỗ trợ và kêu gọi xã hội hóa quy hoạch xây dựng một sới vật quy mô hơn, khoa học hơn nhằm phát triển và bảo tồn môn thể thao mang đậm nét truyền thống của quê hương. Kế hoạch này khi nêu ra đều được bà con nhân dân đồng thuận rất cao”.

Tinh thần thượng võ và đoàn kết tạo nên nét đặc sắc trong đấu vật Thuần Thiện

Mỗi đợt Lễ, Tết khi Lễ hội đấu vật diễn ra, ngay từ sáng sớm, khắp các nẻo đường dẫn đến Thuần Thiện – nơi diễn ra hội vật sôi động hơn thường ngày, hàng ngàn người dân và du khách thập phương đổ về để được chứng kiến ngày hội vật cổ truyền.

Các cặp thi đấu trong Lễ hội vật được đông đảo bà con nhiệt tình cổ vũ

Mỗi một trận đấu vật diễn ra 3 bước, đầu tiên là múa lèo trên nền nhạc trống; bước 2 là trọng tài tiến hành kiểm tra các đô vật xem đã thực hiện đúng các quy định hay chưa, bắt tay hữu nghị; và bước thứ 3 chính thức vào vật. Cái độc đáo làm cho hội vật luôn có khí thế, hào hứng là những hồi trống thúc giục do một bô lão cầm chầu, tiếng trống như thúc dục ra trận làm không khí thi đấu thêm phần hấp dẫn.

“Ba hồi trống giục ầm ầm,

Chấp lệnh tay cầm dùi trống bước ra”

Sau màn trống khai hội và màn biểu diễn của những đô vật đạt giải tỉnh và quốc gia là phần tranh tài của các đô vật dự giải. Những thế vật biểu diễn độc đáo, mạnh mẽ và đẹp mắt được các đô vật tung ra và đầy cống hiến, mang đến cho khán giả nhiều pha đấu hấp dẫn và gây cấn. Đông đảo người xem đã reo hò vỗ tay để cổ vũ cho các đô vật…

Hội vật Thuần Thiện rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…. Một nét độc đáo ở lễ hội làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương, một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến lần tổ chức giải sau mới có cơ hội để lật lại tình thế, vì vậy các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ lần sau tham dự, tranh tài.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, nhưng hội vật của làng Thuần Thiện vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển ngày một phong phú, đa dạng hơn. Đặc biệt, ngày nay, phong trào tập luyện môn thể thao này vẫn  thu hút các lứa tuổi hăng hái tham gia. Với người dân xã Thuần Thiện, vật không chỉ là một môn thể thao giải trí đơn thuần nhằm mục đích rèn luyện thân thể mà còn trở thành một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng rộng rãi và được gìn giữ như một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Đến với hội vật, người ta được sống trong cảm giác cởi mở, hả hê, sảng khoái, được tắm mình trong cội nguồn của lễ hội dân gian giàu tính văn hóa; là hoạt động vui, khỏe, đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ. Người tham gia hội vật còn để cầu lấy những điều may mắn trong năm mới cho bản thân mình và gia đình. Ngoài việc lễ hội có ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nó còn mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người.

Hội vật Thuần Thiện là lễ hội truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác và ngày càng phát triển, nhân rộng theo thời gian. Có hòa mình vào không khí của lễ hội, vui cùng bà con trong những trận cổ vũ cho các đô vật mới thấy được tinh thần đoàn kết, yêu lao động, hăng say rèn luyện thể dục thể thao và tinh thần thượng võ của con người trên dãi đất Hồng Lam văn hiến này. Lễ hội được khai mạc vào những ngày Lễ Tết trong năm (Đặc biệt là dịp đầu xuân và Tết độc lập 02/9) mang ý nghĩa cầu mong cho dân làng một năm an khang, thịnh vượng, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đất nước hòa bình, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Một mùa Xuân mới đang về, mùa Xuân mang theo bao không khí trong lành hứa hẹn một năm đầy may mắn và tươi mới. Thuần Thiện lại vang lên âm thanh rộn ràng của tiếng trống hội thúc giục, mời gọi già trẻ, gái trai từ làng trên, xóm dưới đi xem hội.  Những ngày đầu xuân về làng Thuần Thiện xem hội vật mới thấy được sự đam mê thấm sâu vào máu thịt ở từng con người nơi đây, tạo nên một nét văn hóa rất riêng xen lẫn niềm tự hào, yêu thương và trân trọng.

Ngọc Trâm

Bài liên quan
  • Hương vị bánh tét ngày xuân của người Nam Bộ
    Moitruong.net.vn  – Từ lâu, bánh tét đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực Nam Bộ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nếu như miền Bắc nổi tiếng có bánh chưng thì ở đất phương Nam lại nức tiếng với hương vị mộc mạc, dân dã của bánh tét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Đầu Xuân khám phá nét văn hóa đấu vật nơi miền quê Thuần Thiện
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.