Quảng Bình: Nét văn hóa độc đáo của người Khùa

Minh Tâm|14/02/2021 01:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tộc người Khùa, thuộc nhóm dân tộc Bru Vân Kiều ở xã Trọng Hóa của huyện Minh Hóa. Từ bao đời nay họ vẫn gìn giữ, bảo lưu các giá trị bản sắc văn hóa vật chất, tinh thần trong các dịp tết, lễ hội, lễ cưới hỏi,…... Những giá trị văn hóa ấy được người Khùa duy trì qua hơn trăm năm.

Lễ buộc chỉ tay, cầu may cho gia đình

Lễ buộc chỉ tay là nét văn hóa độc đáo của người Khùa, thường tổ chức rộ nhất là trong khoảng thời gian sau Tết Nguyên đáng đến trước rằm tháng Giêng. Nhằm tưởng nhớ đến linh hồn của những người đã khuất của dòng tộc, cầu mong ông bà tổ tiên ban phước lành cho con cháu, cầu mong sự bình yên, sức khoẻ, mùa màng bội thu. Gắn kết những người đang sống với nhau, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa những con người trong dòng họ.

Theo phong tục, lễ buộc chỉ tay của người Khùa hàng năm thường được tổ chức tại nhà tộc trưởng, và tuỳ vào tuổi của từng gia chủ để chọn một ngày đẹp nhất trong tháng Giêng mà làm lễ. Mâm lễ cúng được gia chủ chuẩn bị từ sáng sớm tinh mơ, con cháu trong họ tộc đã tập trung đầy đủ, ai nấy mỗi người một tay chuẩn bị cho ngày lễ của dòng họ mình. Những sợi chỉ (linh hồn của buổi lễ) được se rất mịn màng từ bàn tay của các bà các mẹ. Những người trẻ tuổi hơn thì tập trung nấu nướng để làm mâm cỗ, trước để cúng ông bà tổ tiên và sau là con cháu chung vui, tiếp khách quý.

Ở chính giữa mâm là một cây nến được làm bằng sáp ong cao độ 2 gang tay, bao quanh cây nến là những lá trầu được kết thành hình chóp nón, gần đỉnh chóp cắm các bông hoa mào gà màu đỏ, phía dưới đặt hai tấm vải màu trắng dùng để may váy cho đàn ông, hai tấm vải sọc đen trắng dùng may váy cho phụ nữ và cuộn chỉ sợi thô tự dệt; trên mâm lễ còn đặt các sản vật khác như: bánh nếp hình chóp cuộn trong lá chuối, xôi nếp, thịt gà luộc, hoa quả, tiền đi lễ của các thành viên trong dòng họ. Phía dưới mâm lễ chính có một chiếc đĩa dùng để đặt các lễ vật cho thầy mo cúng, gồm một quả trứng gà luộc, hai chiếc bánh nếp hình chóp nhọn, một cuộn chỉ buộc và một ché rượu cần.

Khi mọi lễ vật, mâm cỗ đã bày biện xong xuôi, gia chủ chọn giờ tốt rồi bưng lễ đặt ở gian nhà trang trọng nhất cúng ông bà tổ tiên, những người đã khuất, tất cả thành viên của dòng họ, chủ nhà cùng con cháu, người thân ngồi tập trung xung quanh và đặt một tay chạm vào mâm lễ chính. Khi cây nến trên mâm lễ được thắp lên, thầy mo cúng gọi hồn, gọi vía về chứng giám cho lòng thành con cháu trong gia tộc. Người Khùa tin rằng, ngoài linh hồn của ông bà tổ tiên, trên các bộ phận cơ thể đều có những phần hồn riêng gọi là vía. Vía của mỗi người được kết nối với trời đất và với thế giới tâm linh. Chạm tay vào mâm lễ chính là thể hiện lòng thành kính của những người đang sống với những người đã khuất và với thế giới tâm linh.

Khi cúng xong, mâm lễ được đặt xuống lại vị trí cũ, thầy mo lấy một sợi chỉ trên mâm buộc cho gia chủ đầu tiên, sau đó tiếp đến là buộc cho những người ít tuổi hơn trong dòng họ với lời chúc luôn luôn khoẻ mạnh, con cháu học hành chăm ngoan, ngô thóc đầy bồ, lợn gà đầy chuồng… Để đáp lễ, thầy mo cũng được chủ nhà buộc chỉ vào tay cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp. Thầy mo và gia chủ cũng buộc chỉ vào cổ tay cho những người khách, hàng xóm đến tham gia ngày lễ với lời chúc tốt lành.

Sợi chỉ chỉ là một vật tượng trưng nhưng ẩn chứa đằng sau nó là một sức mạnh thể hiện cho sự giao ước, kết nối giữa các thế hệ, nhắc nhở mọi người về nguồn cội, cùng nhau chia ngọt, xẻ bùi cùng hướng đến một tương lai tươi sáng. Hoà quyện trong men say bên hũ rượu cần là những nét mặt tươi vui, rạng rỡ, xen lẫn với tiếng khèn rộn rã và những lời cầu chúc một năm mới sung túc, mùa màng bội thu, anh em đoàn kết, con cháu sum vầy.

Tất cả thành viên của dòng họ, chủ nhà cùng con cháu, người thân ngồi tập trung xung quanh và đặt một tay chạm vào mâm lễ chính

Rượu cần, nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người Khùa

Rượu cần là món lễ vật, thức uống quý mà bà con dùng trong các lễ tế thần linh, trong các ngày hội của làng, dùng đãi khách, tết, cưới hỏi… Trong lễ buộc chỉ tay, rượu cần là lễ vật được dâng lên tổ tiên, sau khi hoàn thành lễ buộc chỉ tay, gia chủ mời già làng, những người có uy tín, khách quý, bạn bè, người thân, anh em hàng xóm láng giềng ăn tiệc tại gia và uống rượu cần.

Rượu cần này do chính gia chủ tự làm, là loại rượu được ủ bằng loại men do người đồng bào ở đây làm mà không qua chưng cất. Để làm được men để ủ rượu cần này, gia chủ phải vào rừng hái các loại lá, rễ cây rừng, vỏ rễ cây rừng có tinh dầu đưa về giã, nấu lên lấy nước thuốc trộn với bột gạo nếp, tẻ (hoặc sắn, ngô, kê, hạt ý dĩ, bo bo), sau vê thành viên to bằng chiếc bát ăn cơm. Mỗi loại có một hương vị riêng nhưng ngon nhất là nếp cẩm. Chỉ có phụ nữ mới được đi hái các loại rễ này. Trước khi đi hái, người đó phải kiêng ngày có tháng của phụ nữ, không ăn chua quá, không ăn đồ tanh, đồ hôi thối mà phải ăn đồ ngọt như chuối, mật ong, hoa quả thơm…

Sau khi có men, gia đình nấu cơm nếp hoặc tẻ, trải ra nong nia cho nguội, giã mịn men trộn với cơm, đưa vào ủ 10-15 ngày. Một mẻ rượu cần chỉ cần 1-2 viên men. Nếu là gạo nếp thì phải hông lên, để nguội rồi trộn với men. Đối với sắn thì phải bóc vỏ ngâm ở suối 3 ngày cho hết độc tố. Khi trộn xong cho vào thúng hoặc đồ đựng để ủ khoảng một tuần nghe mùi thơm đem trộn với trấu đã rửa sạch phơi khô và cho vào ché, hũ lấy lá chuối rừng bịt kín. Ủ khoảng 25- 30 ngày là uống được. Nếu muốn rượu ngon hơn thì đưa chôn vào đất khoảng 3 tháng. Nước để chêm vào uống được lấy ở suối đầu nguồn.

Khi uống, nước được đựng trong quả bầu khô hoặc ống bằng tre nứa, chêm vào hũ bằng một chiếc sừng trâu đã cưa đục ngang hông. Trong lễ hội, cả chủ và khách cùng mở ché rượu sau lời đọc khấn của thầy mo cầu chúc cho gia chủ và khách sức khỏe may mắn. Chủ nhà uống trước và mời khách. Khách đỡ lấy cần cùng uống với gia chủ và nói lời cảm ơn
Rượu cần là nét sinh hoạt văn hóa đẹp chỉ có trong lễ hội và các lễ thức của người Khùa, dùng tiếp đãi bạn bè đặt trong không gian trang trọng của ngôi nhà bên bếp lửa bập bùng. Khách và chủ cùng quây bên mân cơm, vừa thưởng thức ẩm thực, vít cong cần ống nứa để thưởng thức rượu cần. Đây chính là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và bản sắc văn hóa đã được người Khùa gìn giữ bao đời. Đây là sợi dây liên kết cộng đồng, trở thành một phương diện văn hoá có sức sống lâu bền trong đời sống của đồng bào, là hình thức biểu lộ tình cảm của người Khùa và mang ý nghĩa truyền thống.

Trao đổi với phóng viên về nét đặc sắc của lễ buộc chỉ tay và văn hóa uống rượu cần của tộc người Khùa, anh Phạm Văn Bắc – Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết : “Lễ buộc chỉ tay là lễ hội đầu năm của người Khùa, thường được làm ở nhà trưởng tộc. Đây là lễ hội thể hiện bản sắc văn hóa của dòng tộc người Khùa nhằm nêu cao tinh thần đoàn kết anh em trong dòng tộc, cầu may mắn, cầu bình an. Tục buộc chỉ tay của người Khùa cũng tương tự như tục buộc chỉ tay của người Lào, sợi chỉ như bùa hộ mệnh cho anh em dòng tộc đi đến nơi về đến chốn, công việc hanh thông. Văn hóa rượu cần là nét văn hóa đặc sắc, nó thường dùng trong các lễ cúng, cưới hỏi, lễ buộc chỉ tay, cúng giang sơn….Trong lễ buộc chỉ tay, rượu cần là lễ vật được bày mâm cỗ dâng lên tổ tiên, mời tổ tiên uống xong đến già làng, người có uy tín, rồi gia chủ, anh em vui vẻ. Rượu cần được nấu bằng gạo rẫy kết hợp với men lá, hầu hết người dân tộc người Khùa thường có trong nhà 1 đến 2 hũ để uống tết, cưới hỏi, làm lễ buộc chỉ tay…. Khi mở hũ rượu cần, gia chủ sẻ mời trưởng tộc, người có uy tín trong làng, dòng tộc uống trước sau đó đến gia chủ và con cháu”.

Minh Tâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Nét văn hóa độc đáo của người Khùa