Người dân Quảng Ngãi thuộc diện yếu thế ở các tỉnh phía Nam được đón về quê an toàn bằng máy bay

Như Đồng|16/10/2021 12:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trưa 16/10, đoàn xe ô tô đón người dân từ Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) đã về đến TP.Quảng Ngãi an toàn.

Trong chuyến bay đầu tiên được đón về lần này có khoảng 230 người dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Sơn Hà, Lý Sơn và TP Quảng Ngãi. Đây là những người thuộc diện yếu thế được UBND tỉnh hỗ trợ đón về từ các tỉnh, thành phía Nam.

Bà Nguyễn Thị Bồng, trú huyện Bình Sơn cho biết, tôi vào nuôi con gái sinh bị mắc kẹt lại đây hơn 5 tháng rồi. Những ngày tháng ở lại tâm dịch mà lòng lúc nào cũng nghĩ đến giây phút được về nhà. May nhờ có sự hỗ trợ của tỉnh, cuối cùng tôi cũng đã được về quê.

Đoàn xe ô tô đón người dân từ Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) đã về đến TP.Quảng Ngãi an toàn

“Được về quê bằng máy bay miễn phí, bà con chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Ở đây có nhiều người hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng về quê trong khi ở lại TPHCM lúc này không có thu nhập, không thể trang trải chi phí ăn ở, sinh hoạt nên được trở về lúc này rất xúc động”, bà Bồng nói.

Những người thuộc diện yếu thế được UBND tỉnh hỗ trợ đón về từ các tỉnh, thành phía Nam

Sau khi tập kết tại TP Quảng Ngãi, người dân được các tổ công tác ở từng địa phương phân loại để đón về để lấy mẫu sàng lọc và tổ chức cách ly theo từng nơi lưu trú.

Trung tá Phạm Văn Bình, Đội trưởng Đội An ninh -Công an huyện Tư Nghĩa cho biết, huyện Tư Nghĩa có 181 công dân được hỗ trợ đón về bằng đường hàng không và đường bộ. Ngay khi các chuyến xe đón công dân về đến TP Quảng Ngãi, tổ công tác của huyện Tư Nghĩa được giao nhiệm vụ rà soát theo danh sách để đưa công dân về huyện.

“Tất cả công dân sau khi được đón về huyện sẽ được tập trung tại một địa điểm để lấy mẫu sàng lọc COVID-19 và phân loại theo từng nhóm nhằm áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định. Với các trường hợp cách ly tại nhà thì huyện liên hệ với từng xã để chủ động bố trí phương tiện đưa công dân về tận nhà. Trường hợp cách ly tập trung thì sẽ được đưa thẳng tới các khu cách ly trên địa bàn huyện”, Trung tá Phạm Văn Bình cho biết thêm.

Công dân sau khi được đón về huyện sẽ được tập trung tại một địa điểm để lấy mẫu sàng lọc COVID-19 và phân loại theo từng nhóm

Ngoài ra, còn có 2 chuyến bay khác đón 460 người dân về tỉnh bằng đường hàng không vào chiều cùng ngày. Đến sáng 17/10, 670 người dân còn lại cũng sẽ được đón về đến Quảng Ngãi bằng đường bộ.

Toàn bộ 1.160 công dân được đón về từ các tỉnh, thành phía Nam trong đợt 1 này đều thuộc đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gồm, người già, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người có hoàn cảnh khó khăn, người đi khám, chữa bệnh bị mắc kẹt ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai …

Trung tâm Y tế TP Quảng Ngãi đã cử tổ lấy mẫu lưu động đến khu vực Quảng trường hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho toàn bộ người dân được đón về

Tại TP.Quảng Ngãi, những người dân được đón về có địa chỉ lưu trú trên địa bàn được tập trung lấy mẫu ngay sau khi xuống xe. Trung tâm Y tế TP Quảng Ngãi đã cử tổ lấy mẫu lưu động đến khu vực Quảng trường thành phố để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR cho toàn bộ người dân được đón về.

Tất cả các người dân được đón về được hỗ trợ chi phí đi lại, xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo quy định

Bác sĩ Đặng Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quảng Ngãi cho biết, sau khi lấy mẫu chúng tôi sẽ phân loại cách ly theo quy định. Theo đó, người nào đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 qua 14 ngày hoặc là F0 được điều trị khỏi trong vòng 6 tháng thì cách ly tại nhà 7 ngày. Trường hợp mới tiêm 1 mũi vắc xin thì cách ly tại nhà 14 ngày.

Tất cả các người dân được đón về được hỗ trợ chi phí đi lại, xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo quy định. Đây là lần thứ 4 tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đón công dân về từ vùng dịch, với tổng số gần 2.000 người.

Như Đồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Người dân Quảng Ngãi thuộc diện yếu thế ở các tỉnh phía Nam được đón về quê an toàn bằng máy bay
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.