(Moitruong.net.vn) Chế độ ăn của người thừa cân sẽ gồm bao nhiêu gam thịt và ăn những loại thịt nào luôn được quan tâm.
Thịt là nguồn cung cấp đạm chủ yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể cần đủ chứ không cần dư đạm vì đạm được coi là nguồn cung cấp năng lượng “bẩn” do sản phẩm sau chuyển hóa của đạm chứa nitơ – một chất độc đối với cơ thể.
Gan phải chuyển hóa nitơ ra ngoài nên các chuyên gia thường khuyên những người suy thận, xơ gan nên hạn chế dùng các thức ăn giàu đạm. Với người trưởng thành, lượng đạm trong một bữa ăn là khoảng 50g thịt hoặc 100g cá kèm một miếng đậu hũ.
Riêng với người đang trong lộ trình giảm cân, nên hạn chế ăn các loại thịt giàu năng lượng như thịt lợn mà nên thay thế bằng các loại thủy hải sản (tôm, cá) để vừa đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ lượng đạm cần thiết, vừa không ảnh hưởng hiệu quả giảm cân.
Hình minh họa
Người thừa cân cũng cần lưu ý cách chế biến thịt. Phương pháp chế biến giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm và không làm tăng mức năng lượng cao. Chế biến các món thịt bằng phương pháp chiên, xào sẽ làm tăng đáng kể lượng calo trong món ăn. Người giảm cân nên chọn phương pháp hấp hoặc luộc, vừa đảm bảo không bị mất chất dinh dưỡng, vừa loại bớt chất béo ra khỏi thịt.
Ăn nhiều thịt lợn gây tác hại gì
Người bình thường nếu ăn quá nhiều thịt lợn có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm.
Bệnh tim mạch: Bệnh tim mạch được coi là “kẻ giết người số 1” ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với những người ăn thịt; độ cholesterol trong máu của người ăn thịt cao gấp nhiều lần so với người ăn chay và đây là nguyên nhân chính của chứng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột qụy…
Bệnh tiểu đường: ăn nhiều thịt, nhất là các loại thịt nhiều mỡ, làm tăng axít béo và triglycerid – là nguyên nhân gây ra tiểu đường loại II. Bởi vì các axít béo dư thừa trong máu và triglycerid cản trở hoạt động của insulin, điều này dẫn đến lượng insulin trong máu bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của người bệnh lại trong tình trạng cao.
Bệnh thận: Nhiều nghiên cứu cho thấy, để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại do ăn nhiều thịt thì thận phải làm việc gấp 3 lần so với thận của người ăn chay. Urê và acid uric là hai chất thải của ăn thịt rất độc đối với cơ thể. Khi chúng ta còn trẻ, thận còn khỏe thì việc thải các chất này còn được, nhưng khi đã cao tuổi, thận đã suy yếu thì công việc thải các chất này trở thành gánh nặng cho thận và kết quả là thận không thể thải độc, nên gây ra bệnh tật.
Bệnh gút: Khi thận không đủ khả năng lọc thải hết các chất chứa nitơ độc hại thì creatinin và acid uric tăng cao trong máu. Nồng độ acid uric tăng cao sẽ lắng đọng lại trong các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân gây nên bệnh gút. Tại các khớp, acid uric đọng lại kết tinh thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, gây ra đau nhức cho bệnh nhân.
Béo phì: Nguyên nhân chính của bệnh béo phì chủ yếu là do ăn quá dư thừa calo như mỡ động vật, bơ, phomai, thịt, sôcôla, bột, đường… Béo phì sẽ dẫn đến các bệnh như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.
Bệnh gan: Gan có chức năng tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể và thải bỏ các chất độc hại ra ngoài. Ăn nhiều thịt và mỡ động vật làm gan làm việc quá sức và tổn thương. Thịt và mỡ ăn vào sẽ làm cho gan bị nhiễm mỡ, hóa xơ, hóa sẹo.
Bệnh ung thư: Sở dĩ ăn nhiều thịt dễ bị ung thư là vì chất bảo quản thịt. Nếu ăn phải thịt có chất bảo quản thì các chất này kết hợp với các acid amin tạo nitrosamin là chất gây ung thư. Bên cạnh đó, nhiều người do thói quen ăn uống lại chỉ ăn thịt mà rất ít ăn rau nên dễ bị táo bón, ứ đọng chất độc, càng làm cho bệnh ung thư dễ phát triển.
Khánh Thu