Nguồn gốc, ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch

Giang Anh|09/04/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc với câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Cứ đến gần ngày này, người dân khắp nơi lại nô nức về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng lễ, tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng.

Nguồn gốc ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Theo truyền thuyết dân gian, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Bởi vậy Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng Ba âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Ảnh minh họa.

Vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế. Tổng số trên cả nước có 1.417 đền thờ Vua Hùng.

Ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà “dù ai đi ngược về xuối, nhớ ngày Giỗ tổ mồng 10 tháng 3” đều quay về với cội nguồn, tưởng nhớ đến công lao của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Ảnh minh họa.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Cho đến nay, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm tới việc thờ cúng các Vua Hùng, cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy để giáo dục thế hệ trẻ, cho phép nhân dân cả nước nghỉ lễ ngày giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch) để tham gia, tổ chức các hoạt động tế lễ hướng về cội nguồn dân tộc.

Giang Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.