Nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa, Đà Nẵng xây đập tạm thứ 2 trên sông Cẩm Lệ để ngăn mặn

Mai An (t/h)|18/03/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước thực trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc sản xuất nước sinh hoạt, Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thành tuyến ngăn mặn thứ hai trên sông Cẩm Lệ.

UBND TP Đà Nẵng cho phép Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) tổ chức triển khai thi công tuyến đập tạm số 2 nhằm tăng khả năng ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ.

Vị trí đập nằm tại hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương với chiều dài khoảng 90m, cao hơn mực nước sông trung bình 0,63m, kết cấu bằng cừ thép larsen.

Khoảng rộng lòng sông còn lại với chiều dài khoảng 30m giữ nguyên hiện trạng để tạo dòng chảy và tàu thuyền qua lại. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng tuyến đập tạm ngăn mặn số 2, thành phố đề nghị tạm dừng hoạt động tại khu vực sông này.

Đại tiện Dawaco cho biết sẽ hoàn thiện đập tạm này trước ngày 21-3 để đảm bảo đẩy mặn sớm và cứu nguồn nước thô bị nhiễm mặn tại vị trí Cầu Đỏ.

Chuẩn bị thi công đập tạm số 2 trên sông Cẩm Lệ.

Trước đó, Dawaco đã đắp đập tạm đầu tiên dài 180 m nhằm hạn chế xâm nhập mặn vào cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ – nguồn nước sinh hoạt chính cho người dân Đà Nẵng.

Tuy vậy, tình hình xâm nhập mặn vẫn khá gay gắt, đặc biệt là từ đầu tháng 2. Độ mặn lớn nhất đạt giá trị 6.863 mg/l vào ngày 10-3, vượt đỉnh mặn của năm 2019 là 5.109 mg/l.

Cá biệt có những thời điểm độ mặn duy trì với giá trị lớn hơn 1.000 mg/l liên tục trên 24 giờ. Do đó, việc đắp đập tạm thứ hai trên nhánh còn lại của sông Cẩm Lệ là cấp thiết.

>>>Xem thêm:Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn ảnh hưởng đến nông nghiệp và dân sinh

Theo Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, mùa khô năm 2020, lưu lượng dòng chảy tại sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ bị thiếu hụt 40 – 90% tùy nơi, mực nước trung bình sẽ xuống thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm. Nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông khả năng xảy ra sớm hơn, ở mức cao tương đương hoặc cao hơn năm 2019.

Theo báo cáo của Dawaco, tình trạng nhiễm mặn tại cửa thu nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ đã kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay với tổng cộng 36 ngày có độ mặn lớn hơn 1.000mg/l; có hôm độ mặn tăng đột biến lên mức 5.793mg/l, cao gấp 19 lần quy chuẩn cho phép, cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay và cao hơn cùng kỳ năm 2019 (5.109mg/l).

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa, Đà Nẵng xây đập tạm thứ 2 trên sông Cẩm Lệ để ngăn mặn