Biến đổi khí hậu

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở tại 48 điểm thuộc khu vực Trung Bộ

Phúc Minh 05/11/2024 14:30

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã bão hòa. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều khu vực.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 8 giờ ngày 04/11 đến 8 giờ ngày 5/11), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trong 6h qua (từ 2 giờ đến 8 giờ ngày 5/11), khu vực các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Chi cục Thủy Lợi 256,4mm, Suối Đá 228,8mm (Đà Nẵng); Đại Hiệp 154,6mm, Đập Hà Thanh 83mm (Quảng Nam);... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

mua-lu.jpeg
Ảnh minh họa

Cảnh báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 150mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.

Ngoài ra, để chủ động ứng phó với diễn biến với mưa lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Bộ tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa bảo đảm dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở tại 48 điểm thuộc khu vực Trung Bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.