Nguy hiểm tiềm tàng từ “giang hồ online”

Nguyễn Tấn Quốc|11/04/2019 01:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Hiện nay trên các trang mạng xã hội và trang chia sẻ giải trí xuất hiện nhiều băng nhóm giang hồ theo hình thức live-streams, đăng ảnh, đăng dòng trạng thái rất “đầu gấu” công khai. Nhất là trang Facebook và Youtube, nơi “nương náu” của nhiều băng nhóm giang hồ online được giới trẻ theo dõi sốt sắng.

>>> Bài 3: UBND huyện Hóc Môn đang “tiếp tay” cho các bến bãi VLXD hoạt động gây ô nhiễm, cố tình bỏ lọt doanh nghiệp vi phạm?

>>> Hội chứng “rừng trọc” ở Việt Nam

Giang hồ “Khá Bảnh”

Thử vào những kênh Dũng Trọc, Quang Rambo, Khánh Sky, Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh… trên Youtube và Facebook sẽ thấy, có từ vài trăm ngàn đến vài triệu lượt người theo dõi. Họ làm gì mà người trẻ mê tít đến độ theo dõi thường xuyên như thế? Xin thưa, họ không bán hàng đàng hoàng, không chia sẻ chuyện đời tử tế, không khoe đồ hiệu, không ăn uống, không diễn hài… mà họ xoay quanh về vấn đề “giang hồ”.

Cụ thể, những live-streams của họ đều khoe mẽ chiến tích thanh toán nhóm giang hồ X, Y, Z, đòi nợ thuê, đe dọa nạn nhân, thác loạn tại vũ trường, phá hủy tài sản… Đồng thời họ chào hàng “khả năng” giang hồ của mình, ai có nhu cầu “xử” người nào đó cứ việc liên hệ (cho số điện thoại công khai). Thêm nữa, họ còn buôn bán hàng cấm, hoạt động vay mượn tín dụng đen, cờ bạc,… Những lời nói của họ thốt ra toàn là chửi thề, xúc phạm đến người khác.

Bỏ qua chuyện họ có vi phạm pháp luật ngoài đời như họ nói trong các đoạn clip hay không, vì nếu có thì chắc cơ quan chức năng đã tóm gọn. Như trường hợp Khá Bảnh (Ngô Bá Khá ở Bắc Ninh) đã bị cơ quan chức năng bắt giữ để điều tra hành vi đánh bạc và tiếp tục mở rộng vụ án. Vấn đề cần bàn ở đây là những hệ lụy tiềm tàng từ các băng nhóm giang hồ online như thế này. Điều chúng ta thấy trước mắt nhất là sự suy đồi đạo đức. Nghĩ xem, họ ăn nói bỗ bã, chửi thề, đòi chém giết lung tung mà hàng trăm ngàn người vào xem rồi bình luận tung hê. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cắt giống kiểu tóc, xăm mình, điệu nhảy… của những tay giang hồ online. Có trường còn mời Khá Bảnh về giao lưu như một thần tượng. Khi đối tượng Khá Bảnh bị bắt, nhiều bạn trẻ còn bình luận trên Youtube bênh vực một cách mù quáng, có bạn còn kêu gọi trả tự do cho Khá Bảnh. Giới trẻ đang ủng hộ cho cái xấu chăng?

Cũng không ít bạn bình luận rằng xem cho vui chứ không ủng hộ cái xấu nhưng lại đăng ký theo dõi, like sôi nổi (?!). Từ việc “xem cho vui” sẽ tạo ra thói quen, gây nên những hệ lụy về sau. Dù không chắc chắn nhưng việc bắt chước, ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Ở thì tương lai, có thể kéo theo hàng loạt những biến đổi tính cách trong cuộc đời của một cá nhân, khi mà các bạn giao tiếp với nhau luôn thốt ra những câu chửi thề, tính khí hung hăng, không lễ phép với người lớn tuổi, ăn mặc dị hợm (trước mắt chúng ta đã thấy “hiệu ứng” từ Khá Bảnh)… Sâu xa hơn nữa là mối nguy hại cho sự nhận thức lệch lạc ở giới trẻ, cũng như mất phương hướng trong việc tiếp nhận thông tin.

Vì vậy, để những nhóm “giang hồ online” không còn “đất diễn” thì người trẻ không nên vào xem (dù là 1 clip). Phụ huynh có con nhỏ nên giám sát việc này gắt gao để tránh tâm hồn non nớt của trẻ bị tiêm nhiễm. Cơ quan chức năng cần can thiệp sớm và nghiêm để ngăn chặn cái xấu lộng hành. Như việc Cục Phát thanh truyền hình yêu cầu YouTube hạ kênh của Khá Bảnh là rất đáng hoanh nghênh.

Nguyễn Tấn Quốc

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nguy hiểm tiềm tàng từ “giang hồ online”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.