MOITRUONG.NET.VN – Ngày 13/10, nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi bật nhất Ấn Độ đã qua đời ở tuổi 86 sau 111 ngày tuyệt thực nhằm gây áp lực buộc chính phủ phải có biện pháp bảo vệ sông Hằng bị ô nhiễm.
>>>Cựu Tổng Thư ký LHQ: Biến đổi khí hậu đã tới “điểm không quay lại”
>>>Ấn Độ: Đóng cửa nhà máy nhiệt điện lớn nhất vùng Delhi nhằm cải thiện chất lượng không khí
Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Ấn Độ GD Agarwal. (Ảnh: The Times of India)
Ravi Kant, giám đốc bệnh viên AIIMS ở thành phố Hrishikesh bên bờ sông Hằng cho biết, Agarwal chết vì ngưng tim sau 111 ngày tuyệt thực, thọ 86 tuổi. Ông đã bị cảnh sát cưỡng chế tới bệnh viện một ngày trước khi qua đời, vài giờ sau khi ngừng uống nước.
Các nhà hoạt động vì môi trường ở Ấn Độ đã bày tỏ thương tiếc sau khi GD Agarwal, người có bằng tiến sĩ về môi trường ở Đại học California, Mỹ, đã tử vong sau những nỗ lực kêu gọi chính phủ bảo vệ sông Hằng.
“Ông mất đi khiến một trong những tiếng nói hàng đầu chỉ trích chính phủ về sự ô nhiễm của sông Hằng cũng đi theo”, nhà bảo vệ môi trường Rakesh Jaiswal nói. “Ông ấy là một trong những người quan trọng nhất trong cuộc chiến này”.
Sông Hằng – con sông thiêng của người theo đạo Hindu, là hệ thống sông lớn nhất và ô nhiễm nhất Ấn Độ. Năm 2014, khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, ông đã cam kết làm sạch con sông dài 2.500 km này, nhưng nguồn cung cấp nước cho 400 triệu người Ấn Độ ngày càng bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Dự án dài 5 năm mà ông Modi phát động năm 2015 đã thất bại. Kết quả cuộc kiểm toán liên bang công bố hồi tháng 12/2017 cho thấy lỗ hổng trong lập kế hoạch và quản lý tài chính của chương trình, 25% ngân sách của chương trình đã bị chi trong 2 năm.
“Tôi cho rằng chính phủ không hề thực hiện bất kỳ nỗ lực nào nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ sông Hằng của ông ấy”, nhà bảo vệ môi trường Ravi Chopra nói.
Sông Hằng, dòng sông linh thiêng đối với đạo Hindu, bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)
Agarwal bắt đầu tuyệt thực hôm 22/6 ở thành phố Haridwar, phía bắc Ấn Độ, ông chỉ uống nước pha đường, chanh và mật ong để phản đối chính phủ thiếu những biện pháp bảo vệ sông Hằng bị ô nhiễm vì rác và chất thải chưa qua xử lý, yêu cầu chính phủ ra đạo luật bảo vệ con sông, dỡ bỏ các công trình thủy điện đã phá hủy dòng chảy tự nhiên của nó. Trong thư gửi Thủ tướng Modi hồi tháng 8, Agarwal đe dọa sẽ đẩy nhanh cái chết nếu chính phủ không hành động.
Sau khi Agarwal qua đời, Thủ tướng Modi chia buồn trên Twitter. “Những đam mê của ông với việc học tập, giáo dục, bảo vệ môi trường và đặc biệt là làm sạch sông Hằng sẽ được ghi nhớ mãi mãi”, ông viết.
Lãnh đạo đảng đối lập Rahul Gandhi cũng chia buồn trên Twitter: “Cứu sông Hằng là cứu đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến của ông”.
Trước đó, Ông GD Agarwal từng tuyệt thực 38 ngày để kêu gọi bảo vệ sông Hằng vào năm 2009 và một vài lần khác.
Phi Hồng (t/h)