Ít nhà vệ sinh công cộng người dân “giải quyết” ở đâu?

Phạm Huyền|15/02/2017 08:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Ngày 13/2 vừa qua, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt 3 tài xế 6  triệu đồng vì có  hành vi đi tiểu không đúng nơi quy định. 

Từ 1/2/2017,  tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng).

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng mật độ nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở các thành phố lớn còn ít khiến cho “nhu cầu” của người dân khó được đáp ứng.

Trên báo Công Lý đưa, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện tại toàn thành phố có khoảng 340 nhà vệ sinh công cộng được phân bố trên khu vực 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, trong số này có tới 263 nhà VSCC cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Chỉ có hơn 100 nhà VSCC được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi.

te-bay-quoc-tu-giam

Hình minh họa

Còn theo thống kê thời điểm cuối năm 2015, toàn TP HCM chỉ có trên 200 nhà vệ sinh công cộng. Dân số thành phố khoảng 10 triệu người, một tỉ lệ quá chênh lệch về số nhà vệ sinh và nhu cầu của người dân.

Trước đó dự án xây dựng 1000 nhà vệ sinh công cộng do Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành trong khoảng thời gian từ 10-12 tháng đã được nhiều người dân hi vọng. Tuy nhiên đến nay đã sau 6 tháng triển khai, số lượng nhà vệ sinh có thể đưa vào sử dụng mới chỉ dừng lại ở con số 2.

Giải đáp với báo chí về vấn đề này, ông Lê Huy Long – Giám đốc điều hành dự án (Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing) cho biết, công ty đã sản xuất đủ 200 chiếc và chỉ chờ lắp đặt theo đúng tiến độ đã báo cáo với Chủ tịch UBND.TP Hà Nội.

Tuy nhiên, do vướng mắc trong vấn đề mặt bằng nên việc lắp đặt không được thuận lợi.

Vị Giám đốc này cũng cho biết, hiện tại đã có 31 nhà vệ sinh công cộng đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch ngày 20.3 công ty sẽ bàn giao cho thành phố 88 chiếc. Nhà đầu tư sẽ bàn giao 200 nhà đầu tiên cho công ty Môi trường Đô thị vận hành, phần còn lại đang bàn bạc, nhưng có xu hướng sẽ tự vận hành.

Còn về vấn đề xử phạt người tè bậy, báo Dân Việt đưa ý kiến luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý), việc tăng mức tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm môi trường nơi công cộng là cần thiết. Tuy nhiên, mức phạt hiện tại là khá cao so với mức thu nhập của nhiều người Việt Nam. Một số người lao động có thu nhập thấp có thể sẽ gặp khó khăn nếu bị xử phạt.

Luật sư Kiên cho biết, trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không chấp hành quyết định xử phạt, không nộp tiền thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

“Ví dụ một lái xe bị phạt về hành vi tiểu tiện không đúng quy định tại nơi công cộng nhưng cố tình không nộp phạt trong thời gian quy định sẽ bị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ lương nếu đang làm việc hưởng lương tại doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Nếu là lao động tự do sẽ bị kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản tiền gửi nếu có tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng…”, luật sư Kiên nói.

Phạm Huyền


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ít nhà vệ sinh công cộng người dân “giải quyết” ở đâu?