Nhật Bản: Bào chế thành công máu nhân tạo có thể thay mọi nhóm máu

Minh Đoàn (T/h)|03/10/2019 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tại Bệnh viện Đại học Y quốc phòng Nhật Bản đã thử nghiệm thành công máu nhân tạo trên thỏ, mở ra cơ hội sống cho hàng triệu người.

Trước đây, trên thế giới đã từng có nhiều nghiên cứu về chất thay thế máu dựa vào huyết sắc tố. Các nhà khoa học Mỹ đã tìm được cách tạo ra máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm từ tế bào gốc nhưng lượng hồng cầu vẫn còn ít, non nớt nên không thể sử dụng thực tế. Sau đó, các nhà nghiên cứu Anh đã giải quyết được điều này bằng một kỹ thuật “nuôi thúc” để tạo ra máu với lượng hồng cầu “vô tận”. Cơ quan dịch vụ y tế Anh Quốc đang lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng máu nhân tạo trong năm nay nhưng kỹ thuật mới phát triển thành công vẫn chưa có trong danh sách thử nghiệm.

Ảnh minh họa 

Mới đây, theo nhật báo Asahi Shimbun, các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Y quốc phòng Nhật Bản đã phát triển và thử nghiệm thành công máu nhân tạo trên thỏ. Đặc biệt những con thỏ được truyền máu cũng không có hiện tượng đông máu hay bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào khác.

Các nhà khoa học tin rằng phát minh của họ có thể cứu nhiều sinh mạng bằng cách cho phép những người bị thương được điều trị ngay tại hiện trường, chứ không như từ trước đến nay bệnh nhân thường phải đến bệnh viện nơi các bác sĩ xác định nhóm máu của họ trước khi truyền máu.

Tiến sĩ Manabu Kinoshita, tác giả chính của công trình, giải thích rằng thật khó có dự trữ một lượng máu đủ để truyền máu ở những vùng như những hòn đảo xa xôi. Máu nhân tạo sẽ có thể cứu sống nhiều sinh mạng khi một chấn thương nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân bị chảy máu nhiều. Để điều trị càng nhanh càng tốt, các bệnh viện buộc phải có một khối lượng lớn các nhóm máu khác nhau trong tay.

Chúng bao gồm các chất mang oxy và chất cầm máu, tất cả được gói gọn trong các túi gọi là liposome. Khi họ truyền máu cho những con thỏ bị thương nặng, sáu trong số mười con thỏ đã sống sót. Đó là một tỷ lệ sống tương đối cao đối với những con thỏ được truyền một loại máu không phải là máu thực sự.

Thông thường các tế bào hồng cầu mang oxy chỉ có thể lưu trữ được ở nhiệt độ thấp trong khoảng 20 ngày. Trong khi tiểu cầu chỉ có thể tồn tại ở nhiệt độ phòng trong khoảng tối đa 4 ngày. Bên cạnh đó, các kỹ thuật viên cấp cứu cũng không thể tiến hành truyền máu mà không biết nhóm máu của bệnh nhân. Nhưng với máu nhân tạo này, nó có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng trong hơn một năm và không phụ thuộc nhóm máu.

Minh Đoàn (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản: Bào chế thành công máu nhân tạo có thể thay mọi nhóm máu