Moitruong.net.vn – Nhật Bản đã đề xuất xả lượng nước nhiễm xạ “khổng lồ” đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.
Ngày 27/2, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã ủng hộ Nhật Bản xả nguồn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Nhật Bản hiện đang tích trữ khoảng một triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại các bể chứa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, từng bị tàn phá trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.
Hồi tháng trước, một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản đề xuất xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý trong các bể chứa trực tiếp ra biển hoặc ra môi trường thông qua quy trình bốc hơi.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này trong bối cảnh các thể tích chứa nước không còn nhiều.
Ngoài ra, việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển từng được thực hiện ở một số nơi. Và, điều quan trọng là phải đảm bảo không gây ra các tác hại và có sự giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình và sau khi xả để chắc chắn mọi quy trình đều phù hợp.
Nước nhiễm phóng xạ từ nhiều nguồn khác nhau như nước sử dụng cho việc làm mát tại nhà máy, nước bề mặt và nước mưa thấm vào bên trong nhà máy hằng ngày đều đã được xử lý với một quy trình lọc đặc biệt giúp loại bỏ hầu hết các phóng xạ và chỉ còn lại triti.
Đề xuất xả nguồn nước này ra môi trường gây nhiều tranh cãi khi một số quốc gia láng giềng lo ngại về độ an toàn của nước xả. Ngoài ra, người dân địa phương, đặc biệt là ngư dân, lo ngại về các nguy cơ nguồn nước này có thể làm tổn hại tới uy tín của vùng.
Gần 9 năm sau thảm họa thiên tai làm nổ 3 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, số nước nhiễm xạ vẫn được lưu trữ để làm mát lõi lò phản ứng (nơi chứa các thanh nhiên liệu hạt nhân) và giảm thiểu rủi ro.
Hơn 1 triệu tấn nước bị ô nhiễm xạ đã tích tụ trong nhà máy kể từ khi nó hứng chịu trận sóng thần vào tháng 3/2011, thảm họa khiến hàng chục nghìn người phải di tản.
Bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Suốt nhiều năm qua, hội đồng chính phủ Nhật Bản vẫn thảo luận về cách xử lý khủng hoảng, trấn an ngư dân và người dân nếu xả lượng nước nhiễm xạ “khổng lồ” ra đại dương.
Đây là những mối nguy hiểm tiềm tàng bởi nếu xảy ra một thảm họa khác, các thanh này có thể nóng chảy và giải phóng lượng lớn phóng xạ.
Công ty điện lực Tokyo (Tepco) phải vật lộn để đối phó với sự tích tụ của lượng nước bị nhiễm xạ và cho biết lượng lưu trữ tối đa sẽ đạt đến giới hạn vào năm 2022.
Phương án khử xạ và hòa lượng nước đã được xử lý ra Thái Bình Dương đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các ngư dân địa phương.
Hồi tháng 12/2019, Nhật Bản đã điều chỉnh lộ trình làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukishima tuy nhiên vẫn giữ nguyên khung thời gian thực hiện dự kiến kéo dài từ 30 đến 40 năm kể từ năm 2011.
Các chuyên gia, gồm cả đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đã kiểm tra các kế hoạch của Fukushima và đồng tình rằng việc xả nước có kiểm soát vào đại dương là lựa chọn thực tế duy nhất, mặc dù phải mất hàng thập kỷ.
Hội đồng chính phủ trước đó đã đưa ra 5 phương án, bao gồm xả nước ra biển, làm bốc hơi, chôn cất dưới lòng đất và tiêm vào các lớp địa chất sâu ngoài khơi.
Ước tính chi phí làm sạch nhà máy Fukushima có thể lên tới 8.000 tỷ yen (73 tỷ USD), cộng với chi phí đền bù, làm sạch các khu vực xung quanh có thể lên tới 22.000 tỷ yen (200 tỷ USD).
Ngọc Linh (t/h)