Gia đình cho biết, người đàn ông làm nghề bán thịt lợn, tiền sử bị tăng huyết áp. Trước khi vào viện người này có biểu hiện sốt, tê bì vai trái.
Kết quả thăm khám, xét nghiệm, bệnh nhân bị viêm màng não do nhiêm liên cầu khuẩn lợn. Để điều trị, người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh kết hợp theo dõi nội khoa. Sau thời gian điều trị, tình trạng bệnh nhân được cải thiện, không còn sốt, đau giảm và có thể xuất viện.
Bề mặt da xung huyết của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn.
Theo bác sĩ Lan Anh khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis gây nên và bệnh này cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy, nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Con người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.
Bác sĩ Lan Anh cảnh báo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Tuyệt đối không ăn lợn chết, không ăn các món tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Trong quá trình ăn uống thịt lợn, mọi người cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn thịt tái hoặc thịt ôi thiu, chưa qua kiểm dịch. Những hộ làm nghề giết mổ lợn quá trình mổ cần trang bị găng tay, đi ủng để bảo hộ đầy đủ. Ngoài ra, khi chế biến thịt lợn, không để chung phần chín và sống; không ăn tiết canh lợn để tránh nhiễm liên cầu khuẩn.
Nhật Lệ (T/h)