Nhiệt điện than Việt Nam (Bài 2): Tồn tại nhiều hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nam Anh|09/06/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc phát triển các nguồn nhiệt điện than không còn là giải pháp cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho nhiều quốc gia. Lý do là bởi những tác động tiêu cực của các dự án nhiệt điện than đối với môi trường đã và đang trở thành những ám ảnh đối với xã hội.

Ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Theo các chuyên gia, con số thống kê cho biết, những người dân sinh sống ở các địa phương có sự tồn tại của các dự án nhiệt điện than như Tuy Phong, Vĩnh Tân… có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến môi trường cao gấp nhiều lần so với người dân ở các vùng khác.

Từ năm 2018 đến nay, người dân khắp nơi trên cả nước chứng kiến sự ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề. Nguyên nhân một phần bởi tác động của các nhà máy nhiệt điện than.ư

Thực trạng này đặt ra vấn đề: Nếu tiếp tục lựa chọn than để phát triển phục vụ an ninh năng lượng, câu hỏi đặt ra là có phù hợp không? Không chỉ vì vấn đề môi trường mà còn vì vấn đề an sinh xã hội ở những vùng khai thác khi người dân phải đối diện với những bất cập về môi trường một cách nặng nề.

Nhiệt điện gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Tiềm năng khai thác than trong nước không còn nhiều

Trong Bản dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050  Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) gửi Bộ Công Thương cho thấy, Quy hoạch cho rằng sau 2020 nước ta phải nhập khẩu năng lượng, chủ yếu phải nhập và mặc nhiên phải nhập. Tỷ lệ nhập khẩu tăng từ 49% năm 2020 lên 54% năm 2030 và 70% năm 2050. Tuy nhiên, VSEA cho rằng điều này là không hợp lý vì nhập khẩu than gặp nhiều trở ngại.

Một số quốc gia được xác định là nguồn nhập khẩu than của Việt Nam gồm: Úc, Indonesia, Nga, Nam Phi. Thị trường Úc và Indonesia đã phân chia thị phần cho Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ nắm giữ, rất khó cho Việt Nam chen chân vào. Đối với Nam Phi, không có chính sách rõ ràng, cơ sở hạ tầng cũng nghèo nàn. Với Nga, do hạn chế đường ray từ các bể than tới cảng làm hạn chế mở rộng xuất khẩu.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nhập khẩu than của Việt Nam cũng kém. Hệ thống kho cảng nhập; cảng nước sâu, tàu biển không có nhiều. Năng lực tài chính của Việt Nam cũng còn yếu kém. Nếu tính mỗi tấn than giá 100 USD thì vào năm 2020 mỗi năm Việt Nam cần số tiền 4,6 tỷ USD, năm 2025 là 8,3 tỷ USD và năm 2030 là 15,7 tỷ USD. Để “mua mỏ” cũng cần vốn đầu tư khá lớn: đầu tư mỏ 30 triệu tấn/năm cần phải chi 2,45 tỉ USD và 8 tỉ USD đường sắt để vận chuyển. Nếu mua than trôi nổi trên thị trường thì sẽ bị giá đắt và lượng cung ứng thất thường và sẽ bị bắt chẹt về giá lúc khó khăn.

Với khối lượng nhập than lớn và di chuyển theo đường biển từ 2.000 km đến 5.000 km cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ như thiên tai, cướp biển và nhất là những xung đột trên biển trong khu vực. Năng lượng luôn được dùng làm một công cụ trong chiến tranh. Khủng hoảng dầu mỏ năm 1974 cho thẩy rõ điều này. Những tranh chấp tại eo biển Hormus của Iran và ở Biển Đông hiện nay cũng là ví dụ rõ ràng.

Ngay bây giờ đã có những báo động về ô nhiễm bụi, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội nhiều ngày nay chất lượng không khí liên tục ở mức có hại cho sức khỏe. Nhưng quy hoạch ở vùng Đồng bằng Sông Hồng vẫn còn rất nhiều nhà náy nhiệt điện than tiếp tục được đầu tư xây dựng.

“Thực tế này đặt ra yêu cầu cần định vị lại vị trí của ngành than trong tương lai từ đó đưa ra hướng đi đúng đắn nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động của ngành này”, VSEA kiến nghị.

Cũng theo VSEA, cần khai thác tối đa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để hướng tới mục tiêu Việt Nam trở lại thành nước xuất khẩu năng lượng trong tương lai.

Về nguồn tiềm năng khí nội địa, cần bổ sung tiềm năng của hai mỏ Kèn Bầu và Khánh Hòa vào nguồn cung năng lượng sơ cấp. Đây là hai mỏ mới thăm dò được trong năm 2020 nhưng hiện chưa được đưa vào xem xét trong bản dự thảo quy hoạch.

Trong khi tiềm năng kỹ thuật của năng lượng tái tạo trong nước được xác định rất lớn, có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế, xã hội, việc làm nhưng tỷ lệ sử dụng trong quy hoạch còn rất nhỏ. Năng lượng tái tạo ngoài phát điện nên được thúc đẩy ứng dụng vào các ngành khác như công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, dân dụng. Riêng đối với năng lượng khí sinh học, cần xác định mục tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn để khai thác nguồn tiềm năng này.

Thải ra hàng chục tấn tro xỉ ra môi trường mỗi năm

GS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho biết do giá thành sản xuất thấp hơn thủy điện nên sau khi khai thác nguồn thủy năng, các quốc gia trên thế giới đều chuyển sang phát triển NĐT và Việt Nam cũng tương tự. NĐT sử dụng rất nhiều than nên khối lượng chất thải cũng rất lớn, gồm chất thải khí, nước súc rửa công nghiệp, nước làm mát tuabin, bụi than… Đặc biệt, khối lượng tro xỉ là rất lớn bởi tổng lượng than cung cấp cho điện lên đến khoảng 30 triệu tấn, thải ra 10 triệu tấn tro. Vì thế, nếu không được xử lý công nghệ cao, những chất thải này sẽ gây tác hại đến môi trường.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 19 nhà máy nhiệt điện do EVN quản lý, có đến 11 nhà máy NĐT. Các nhà máy này đều được trang bị công nghệ xử lý khí chất thải và nồng độ khí theo quy chuẩn Việt Nam. Các nhà máy Uông Bí 1 và 2, Quảng Ninh 1 và 2, Phả Lại 1 và 2, Hải Phòng 1 và 2 đang nâng cấp hệ thống xử lý khí thải và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và đầu 2019.

Về xử lý nước thải, đại diện EVN xác nhận tất cả nhà máy NĐT đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Với chất thải tro xỉ, các nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu một phần với nhiều doanh nghiệp để làm vật liệu xây dựng, phần còn lại được lưu giữ tại các bãi chứa và phối hợp chính quyền địa phương triển khai phương án khai thác, tiêu thụ, nhất là dùng để san lấp mặt bằng KCN.

Bãi thải tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 ở tỉnh Trà Vinh Ảnh: Ca Linh

Nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng

Nhiều kim loại nặng thoát ra trong quá trình đốt than cũng là các chất độc hại với môi trường và hệ sinh thái gồm chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín cũng như các đồng vị phóng xạ.

Nghiên cứu của Đại học Stuttgart, được Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đặt hàng, cũng phát hiện thấy rằng các nhà máy nhiệt điện than là nguồn thải khí thủy ngân lớn nhất ở Liên minh châu Âu.

Nghiên cứu này cho biết khoảng 200.000 trẻ em sinh ra mỗi năm EU bị phơi nhiễm các mức hàm lượng thủy ngân có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm thần và hệ thần kinh của chúng.

Một nhà máy nhiệt điện than với công suất 500MW sẽ sản sinh ra 170 pound (gần 85kg) thủy ngân mỗi năm. Chỉ cần một thìa cà phê thủy ngân đổ xuống một hồ rộng 10 ha cũng đủ khiến cá trong hồ này trở nên không an toàn cho tiêu thụ. Chì và cadmium cũng là các kim loại độc hại có thể tích lũy trong các mô của động vật và con người, dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, gây rối loạn phát triển và gây tổn hại hệ thần kinh, có thể dẫn đến bệnh tự kỷ.

Một nhà máy nhiệt điện than với công suất 500MW cũng sẽ sản sinh ra 225 pound (hơn 100kg) thạch tính mỗi năm. Những người uống nước có 50 phần tỉ là thạch tín có nguy cơ phát triển bệnh ung thư cao hơn.

Than cũng chứa một lượng nhỏ các chất phóng xạ như uranium và thorium trong tro bay. Các nhà nghiên cứu ước tính nồng độ chất phóng xạ tăng từ 0,03% lên mức 0,12% mỗi năm ở lớp đất bề mặt dày 30cm ở khu vực đất nằm xung quanh bán kính 20km của một nhà máy nhiệt điện than.

Nam Anh

Bài liên quan
  • Nhiệt điện than Việt Nam (Bài 1): Hiện trạng xu thế phát triển
    Moitruong.net.vn – Số lượng, công suất và công nghệ các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam có nhiều biến động, thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, nhiệt điện than cũng là nguồn điện không thể thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệt điện than Việt Nam (Bài 2): Tồn tại nhiều hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro