Nhiều địa phương hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Lan Hạ|16/02/2024 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 15/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), nhiều địa phương trên cả nước tổ chức phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn năm 2024 gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa và hưởng hứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 15/2, tại Khu du tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại”.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng cho biết, thực hiện lời dạy của Bác, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cùng các tầng lớp nhân dân thành phố đã hưởng ứng và tích cực tham gia phong trào trồng cây. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn thành phố và trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát triển rừng, trồng cây xanh.

trong-cay-2-4230.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nam Định trồng cây tại Khu du tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, thành phố Nam Định

Năm 2024, tỉnh Nam Định phấn đấu trồng trên 1,1 triệu cây phân tán các loại tại các khu văn hóa lịch sử, tôn giáo; khu vực đô thị, khu dân cư tập trung; khu, cụm công nghiệp, khu xử lý rác thải tập trung; trồng trên đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, đường ra đồng… trồng mới 9 ha rừng phòng hộ ven biển; trồng bổ sung phục hồi 100 ha rừng tại bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng.

Tỉnh Nam Định ưu tiên trồng cây bản địa, cây trồng đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của địa phương như: bằng lăng, muồng, phượng vĩ, liễu, lộc vừng, bàng…

UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố phát động và đồng loạt ra quân thực hiện Tết trồng cây và phong trào trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024 trang trọng và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử vào ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gắn với phát động phong trào bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan nông thôn mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Các địa phương thông qua việc trồng cây, trồng hoa ven đường hằng năm để hình thành các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, công sở “xanh - sạch - đẹp”.

* Sáng 15/2 (tức mùng 6 Tết), Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn - năm 2024 được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang chia sẻ, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, tỉnh Phú Thọ luôn xác định việc trồng cây, trồng rừng có vai trò đặc biệt quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau.

Trong những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực: Bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh trồng trên 9.000 ha rừng tập trung, 2 triệu cây xanh phân tán; diện tích đất rừng được phủ xanh, không còn đất trống, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 39,7%; phong trào trồng cây xanh, cây bóng mát tạo cảnh quan đô thị, cơ quan, trường học, đường giao thông ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Việc phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào mỗi dịp Xuân sang trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đất Tổ, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Năm 2024, tỉnh Phú Thọ phấn đấu trồng 825 ha rừng tập trung và 945 nghìn cây phân tán. Ngoài Lễ phát động Tết trồng cây quy mô cấp tỉnh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, các hoạt động hưởng ứng phát động Tết trồng cây sẽ diễn ra đồng loạt tại các địa phương, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và học sinh tham gia hưởng ứng.

Các địa phương trong tỉnh Phú Thọ tiến hành rà soát hiện trạng và quỹ đất, thiết kế, xử lý thực bì, chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư phân bón hướng dẫn bà con trồng rừng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, góp phần tăng độ che phủ rừng; chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng, bảo vệ rừng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp; đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững...

* Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” diễn ra sáng 15/2 tại khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ Nguyễn Thái Học, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. Bí thư, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cùng lãnh đạo một số sở, ngành và đông đảo người dân trong huyện; đặc biệt, có mặt các thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Thái Học đã tham gia.

Tại Lễ phát động trồng cây, đại diện UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, từ những năm 60 của thế kỷ trước, huyện Vĩnh Tường đã là một điển hình về phong trào trồng cây phân tán của tỉnh. Những năm gần đây, phong trào xã hội hóa trồng cây xanh đã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong 3 năm (2021 - 2023), toàn huyện đã trồng mới gần 97.000 cây, bằng 115% chỉ tiêu phân bổ theo kế hoạch của UBND tỉnh, thực hiện theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ.

Thực hiện phong trào Tết trồng cây năm 2024, UBND huyện Vĩnh Tường đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức phát động Tết trồng cây và trồng cây phân tán. Trong điều kiện công nghiệp hóa, dân số ngày càng đông, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người ngày càng giảm, huyện đã chủ trương tận dụng mọi quỹ đất để trồng cây hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

* Tại thôn Bắc Phú, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã diễn ra lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn, mở đầu cho hoạt động trồng cây, trồng rừng năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh.

“Tết trồng cây” là dịp để tuyên truyền, khuyến khích, động viên các cấp, ngành, Nhân dân tích cực đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng, phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng; tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong tổ chức, cơ quan, đơn vị và Nhân dân ngay từ những ngày đầu năm mới, góp phần thực hiện mục tiêu trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động; đồng thời nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng và giá trị của rừng, trồng cây, trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội.

16-trcay1.jpg
Lễ phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương trên cả nước

Tại buổi lễ phát động, các đại biểu, đơn vị, lực lượng vũ trang và Nhân dân xã Quang Phú đã phối hợp tiến hành trồng trên 2.200 cây xanh tại thôn Bắc Phú, xã Quang Phú; phấn đấu năm 2024, toàn thành phố trồng mới, trồng lại rừng sau khai thác đạt 100 - 200 ha.

* Cũng trong sáng ngày 15/2, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như thị xã Ba Đồn và các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy,… đã phát động, ra quân trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, góp phần tạo nên phong trào sâu rộng “Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng” gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu:

Tại huyện Bố Trạch, ngay sau lễ phát động, 79.275 cây phân tán các loại trong đó có 74.025 cây lấy gỗ, 3.990 cây bóng mát, 1.260 cây ăn quả, được trồng tại các trục đường giao thông, khu dân cư, các trường học, danh lam thắng cảnh.

Tại thị xã Ba Đồn, Lễ phát động trồng cây diễn ra tại Nhà tưởng niệm Liệt sỹ và Khu di tích trận càn Lâm Xuân năm 1947, xã Quảng Thủy. Năm nay, thị xã Ba Đồn phấn đấu trồng hơn 868.000 cây xanh trong đó có 855.000 cây rừng tập trung và hơn 7.700 cây phân tán được trồng dọc đường biển, đường giao thông nông thôn, các trường học, cơ quan, đơn vị, khuôn viên các trụ sở…

* Cũng trong ngày 15/2, 17 xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã sôi nổi ra quân hưởng ứng Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024 đã trồng được 3.500 cây bóng mát, 20.500 cây phân tán các loại. Trước tết Nguyên đán, toàn huyện đã trồng được 45ha rừng sản xuất. Phong trào trồng cây, trồng rừng đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.

* Tại tỉnh Hậu Giang, Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra ngày 15/2 tại thành phố Vị Thanh.

Tại buổi Lễ, ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh cho biết: Phong trào trồng cây trên địa bàn thành phố nói riêng, tỉnh Hậu Giang nói chung đã và đang được các cấp chính quyền và người dân tích cực hưởng ứng thực hiện, qua đó góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Sau buổi lễ phát động, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang cùng các sở, ban, ngành cũng đã tổ chức trồng 50 cây sao đen dọc theo bờ kè tuyến đường Trần Ngọc Quế, phường I, TP Vị Thanh… nhằm góp phần cổ vũ phong trào trồng cây và bảo vệ cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng tươi đẹp hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”