Mọi người dân Việt Nam từ người già đến trẻ em, dù ở trong nước hay ở nước ngoài ai cũng mong, cũng nhớ đến Tết cổ truyền của dân tộc mình. Cái Tết thật thiêng liêng đối với mỗi người Việt. Bác Hồ đã biết giá trị to lớn của Tết và Bác mong muốn việc trồng cây cũng được nhân dân coi là Tết. Trồng cây được Bác nhắc đến vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Vì việc đó là công việc thi đua yêu nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam. Trong 9 nội dung cơ bản chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh có đến 5 nội dung liên quan đến vấn đề môi trường và giáo dục môi trường cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Đó là: Về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; Về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; Về phát triển nền kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; Về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Tư tưởng đó của Bác đã chỉ rõ, muốn bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững, trước hết phải coi đó là việc của toàn dân, chỉ có dân làm thì sự nghiệp đó mới thành công; Thứ hai, sự nghiệp bảo vệ môi trường muốn thành công phải để dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân tự quản, tự làm, tự kiểm tra; Thứ ba, đi đôi với phát triển kinh tế, văn hoá phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững; Thứ tư, con người quan hệ, ứng xử với môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần tiết kiệm, phải có ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ mình và thế hệ con cháu mai sau; Thứ năm, cần chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ để họ có nhận thức đúng đắn, có thái độ và hành vi đối xử phù hợp với môi trường, để môi trường phát triển bền vững.
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường thông qua rất nhiều bài viết, lá thư, bài nói chuyện, hành động cụ thể. Bác luôn căn dặn mọi người phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái… thể hiện tư tưởng của Bác trong công tác bảo vệ môi trường.
Bác đã từng nói:
“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
Câu thơ ấy đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam, thôi thúc họ, nhắc nhở họ cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về thực hiện theo lời Bác dạy: Trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường. Làm theo lời Bác, việc trồng cây thường xuyên là “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng, tốn kém ít nhưng lợi ích rất nhiều và nhất là dù các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.
Theo Bác Hồ, trồng cây không phải là trồng cây gì đó cho có việc, mà “phải có kế hoạch trồng cây gì, ở đâu”. Tức là, không thể có những cách làm chung chung, những suy nghĩ nửa vời, trồng cây rồi bỏ mặc, không chăm sóc. Ngày nay, trong bối cảnh trái đất của chúng ta đang đứng trước những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán (trong đó có nguyên nhân do chặt phá rừng)… thì công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.
Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là "vàng" và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Và rồi Bác kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Như vậy có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Tết trồng cây là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.
Cả một đời vì nước, vì dân, đến lúc đi xa, chúng ta vẫn tìm thấy trong tư tưởng của Người một tầm nhìn xa trông rộng của bậc vĩ nhân – một lãnh tụ kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới trong việc làm cho môi trường sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn.
Đảng ta kiên định với lập trường và tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường, đã tiếp tục định hướng đúng đắn bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Đất nước ta đang tiếp tục kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường – Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 là một trong những minh chứng cho điều đó.
64 năm đã trôi qua, “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.