Sự đa dạng trong màu sắc ẩm thực của Việt Nam được thể hiện qua nét ăn uống, khẩu vị đặc trưng của từng vùng miền. Cùng khám phá mâm cỗ ngày Tết miền Nam cho Tết Giáp Thìn thêm nhiều hương vị.
Như mâm cỗ ngày Tết miền Bắc và miền Trung, mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam cũng đa dạng các món ngon, mang nhiều nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực vùng miền, cuộc sống của người phương Nam.
Bánh Tét
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Nếu ngày Tết miền Bắc gắn liền với bánh Chưng thì bánh Tét chính là món ăn ngày Tết cổ truyền miền Nam. Theo dân gian truyền miệng, tên gọi bánh Tét là do dân ta đọc chệch đi từ “bánh tết”, nghĩa là loại bánh được nấu vào ngày Tết. Ngoài ra, bánh tét còn được gọi bằng cái tên thân thương khác như bánh đòn. Nguyên nhân là bởi bánh có hình trụ tròn, có kích cỡ to/nhỏ tùy vào sở thích và nhu cầu của người làm bánh.
Nguyên liệu chính được dùng để gói bánh gồm: lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, dây lạt hoặc dây nilon để buộc bánh. Tương tự như bánh Chưng, bánh Tét cũng đòi hỏi cao sự khéo léo của người gói, nhưng cách gói lại có sự khác biệt. Bánh chưng được tạo hình nhờ các lớp lá dong tạo thành hình vuông. Nhờ đó, người gói chỉ cần xếp lớp các loại nguyên liệu xen kẽ lên nhau tạo thành nhân và vỏ bánh.
Còn với bánh Tét, phần nhân sẽ được chuẩn bị trước. Chúng ta sẽ lấy lát thịt lợn đặt vào giữa đậu xanh, nặn sao cho thành hình trụ dài với kích thước hợp lý. Sau đó, đổ gạo nếp lên lá chuối, đặt phần nhân vào giữa, khéo léo quấn lá chuối lại sao cho nhân được đặt ở chính giữa bánh.
Công đoạn luộc bánh có lẽ sẽ được nhiều người rất mong đợi. Ở nhiều vùng quê dùng bếp củi nấu bánh, cả nhà trải chiếu quanh bếp lửa lớn, cùng nhau canh cho lửa đều để bánh chín ngon. Những đứa con đi xa về kể câu chuyện học trên trường, chuyện bạn bè, chuyện công việc, cháu chắt tinh nghịch chạy quanh ông bà. Những ngày đoàn viên cuối năm cứ vậy mà tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc.
Bánh nấu chín được vớt ra để ráo nước, tránh ẩm mốc. Mùi gạo nếp và lá chuối tạo cho bánh một mùi hương đặc trưng dịu nhẹ, kích thích vị giác của bất cứ người con xa quê nào. Dân ta thường ăn bánh với dưa muối chua, củ kiệu hoặc chiên giòn theo lát bánh chấm nước tương, vị bánh sẽ càng trở nên đậm đà.
Thịt kho tàu
Nếu ngày Tết miền Bắc đặc trưng với món thịt đông nhờ tiết trời se lạnh thì thịt kho tàu lại là món ăn chủ yếu trên mâm cơm ngày Tết miền Nam. Đó chính là món ăn thân quen và gắn bó sâu sắc với các thành viên trong gia đình từ nhỏ tới lớn.
Hình ảnh bát thịt đậm đà màu cánh gián khiến mọi người cảm nhận được không khí hòa thuận, sum vầy - dấu hiệu cho một năm mới sang cùng nhiều thuận lợi, may mắn. Quả trứng, hay còn gọi là hột vịt trong món ăn thường không được cắt đôi mà để nguyên cả quả, ngụ ý cho một cái Tết trọn vẹn và đủ đầy của gia chủ.
Thịt kho tàu được ưa chuộng trong ngày tết không chỉ vì vị ngon đậm đà và ý nghĩa sâu sắc, người ta coi nó như một món ăn dự trữ trong những ngày du xuân. Sau khi cả nhà cùng đi chúc Tết ông bà, họ hàng, bạn bè, trở về nhà ăn cơm có ngay một bát thịt kho ăn bắt miệng, tốn cơm, lại bảo quản dễ dàng, lâu hơn các món khác.
Người miền Nam ưa dùng thịt ba chỉ để nấu món ăn này. Miếng thịt thường được cắt lớn hơn gấp 2 - 3 lần bình thường, sau đó ướp cùng nước mắm, gia vị, đường, hạt tiêu và hành tỏi khô với tỷ lệ thích hợp để món thịt vừa đủ đậm đà, vừa thơm nức mũi. Tô thịt thơm nức đặt cạnh bát cơm trắng ấm nóng, dọn ra cùng đĩa dưa góp bon miệng ghê lắm nha!
Dưa món
Trên mâm cỗ cổ truyền ngày Tết miền Nam, một món ăn rất quen thuộc của người Việt trong ngày Tết chính là dưa món. Dưa món đóng vai trò món ăn làm dịu lại “sự béo”, “sự nhiều đạm” của các món ăn khác. Ngoài ra, vị chua thanh thanh của dưa cũng kích thích vị giác của người dùng, khuyến khích mọi người thưởng thức nhiều hơn mâm cơm gia đình.
Dưa món bao gồm rất nhiều loại củ như: Củ cải, cà rốt, củ kiệu, đu đủ xanh,... Trước đó, các bà, các mẹ sẽ sơ chế kỹ, muối vài ngày cùng nước chua để món ăn lên men vừa đủ. Tới bữa ăn, chỉ cần gắp dưa bỏ vào chén nước mắm, hoặc để chấm là được một món ăn rồi!
Củ kiệu tôm khô, trứng bắc thảo
Có thể nói tôm khô củ kiệu là món ngon đậm chất truyền thống và quá đỗi quen thuộc của người dân Nam Bộ. Cũng giống như dưa món của người miền Trung, hành muối của người miền Bắc, củ kiệu ngâm chua ăn kèm tôm khô, trứng bắc thảo luôn xuất hiện trên mâm cỗ cổ truyền ngày Tết miền Nam.
Kiệu là loại củ đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Cây kiệu rất giống hành, nhưng lại ít hăng hơn và củ cũng nhỏ hơn rất nhiều. Cứ bắt đầu vào tháng chạp là ở các chợ đầu mối lại ùn ùn đưa củ kiệu về các chợ nhỏ, chợ quê. Nhìn những bành củ kiệu như mảng cỏ lớn được đưa ra bán, ít ai hình dung được là chỉ sau ít ngày, đám cỏ lấm lem bùn đất đó sẽ hoá thân thành món củ kiệu trắng tươi ngon trong hũ sành, hũ thuỷ tinh của mỗi gia đình miền Nam.
Cứ mỗi độ tết về, ngoài bánh tét là món ăn chính thì củ kiệu là món đồ chua nhà nhà phải có. Có dưa kiệu chua ngọt giòn giòn ăn kèm bánh tét hay thịt kho tàu, món ăn ngon hơn và đỡ ngán hơn. Sẵn có đặc sản tôm khô trứ danh, có quả trứng bắc thảo người ta đem trộn cùng dưa kiệu, nêm nếm gia vị, vậy là ra đời tôm khô củ kiệu ngon lạ. Ở đó, có vị đậm đà của tôm, vị béo thơm của trứng và chua giòn của kiệu.
Canh khổ qua
Trong mâm cơm ngày Tết miền Nam thường ưa chuộng các món ăn mang ý nghĩa theo đúng tên gọi của nó. Chẳng hạn như: bày mâm ngũ quả thì phải “cầu dừa đủ xoài”; thịt kho thì phải cắt vuông to cùng quả trứng tròn thể hiện cho sự toàn vẹn; màu đỏ của miếng dưa hấu cắt ra là sự cầu mong may mắn sẽ đến cả năm. Cũng như thế, món canh khổ qua ngày Tết là để cầu mong cho những điều khó khăn vất vả năm cũ qua đi thật mau, năm mới đón nhận mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý.
Canh khổ qua không phải món lạ đối với người dân Nam Bộ. Nó đã được yêu thích và sử dụng nhiều trong bữa cơm hàng ngày rồi. Tuy khá quen thuộc, nhưng khi nó xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết thì bản thân nó lại trở nên ý nghĩa vô cùng. Có tô canh khổ qua nhồi thịt, mọi người bỗng cảm thấy an tâm hơn rằng mọi điều không may của năm cũ đã qua, hy vọng năm mới mọi điều thuận lợi và bình an.
Ngoài ra, canh khổ qua cũng là món canh giải nhiệt, mát và bổ trong những ngày Tết. Nhiều gia đình chọn nấu món canh này như một bài thuốc để thanh nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả trong những ngày nắng nóng, ăn uống nhiều dầu mỡ như ngày Tết.
Gỏi gà xé phay
Một chuyến đi vào miền Nam đã cho mình biết về món gỏi gà xé phay - món ăn ở miền Bắc mình chưa được thưởng thức. Vậy mà ở miền đất phía Nam của nước mình, nó được coi là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết.
Món ăn này được chế biến tuyệt ngon với vị chua chua, ngọt ngọt, chứa nhiều chất dinh dưỡng mà ai ăn cũng ghiền. Thớ thịt gà được xé ra ăn vừa miệng, rau thơm nhiều sẽ khiến không chỉ vị giác mà khứu giác cũng được đánh thức cùng lúc. Bạn có thể ăn thoải mái mà không lo sẽ tăng cân ngày tết.
Chả giò
Chả giò là một món ăn cổ truyền không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết Miền Nam. Hương vị tuyệt vời cùng với độ giòn tan của miếng chả khi ăn sẽ khiến bạn nhớ mãi nếu một lần được thưởng thức.
Những miếng chả được gói nhân thơm ngon trong chiếc bánh đa giòn rụm, vừa bùi, vừa ngập tràn hương vị hạnh phúc. Nếu ngày tết bạn cảm thấy dễ ngán vì có nhiều món ăn chứa chất béo thì gia đình bạn có thể chuẩn bị món chả giò bằng nhân hoa quả sẽ có được hương vị thơm ngon tuyệt vời.
Canh măng khô hầm xương
Khác với canh khổ qua thanh mát, canh măng khô hầm xương lại là một hương vị đặc biệt khác của mâm cỗ ngày Tết miền Nam. Đây là một “món mặn” cung cấp nhiều chất xơ từ măng khô, lại thêm chất ngọt dịu của xương heo, hương vị bắt vị giác cực kỳ mà bất cứ ai cũng đều mê tít. Ngoài ra, chúng ta có thể nấu cùng với miến hoặc mì gạo là có ngay một ngón ăn khác, vừa no bụng, vừa đỡ ngán.
Phá lấu
Với nguyên liệu quen thuộc, cách chế biến đơn giản, phá lấu là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết miền Nam. Đây là một món ăn mang vị đặc trưng thơm thơm từ nước dừa, hoà quyện cùng vị dai dai, giòn giòn của lòng heo, lòng bò. Ngoài ra, món ăn này còn được biến tấu và chế biến với những nguyên liệu khác như tai heo, vịt, gà, ốc, …
Xôi vò
Xôi vò luôn là một món ăn đặc trưng ở miền Nam nói riêng và dân tộc ta nói chung. Người dân miền Bắc gọi món ăn này là xôi xéo. Cũng bởi sự thân thuộc của món ăn này mà ngày lễ Tết món ăn này luôn được ưa chuộng đặt trên mâm cỗ cổ truyền của ngày Tết.
Mứt
Mứt là món ăn ngon, dễ làm và rất quen thuộc không chỉ với người dân miền Bắc mà còn với người dân miền Nam. Nguyên liệu để làm mứt rất đa dạng và phong phú từ các loại quả như dừa, quất, hồng, cà rốt, … cho đến vỏ cam, vỏ bưởi. Những miếng mứt với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, hồng, vàng, xanh, … sẽ góp phần tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết miền Nam thêm sinh động, bắt mắt và vui tươi trong không khí của mùa xuân.
Mâm cỗ ngày Tết chứng kiến sự sum họp, vui vầy của tất cả các thành viên trong gia đình, là khoảnh khắc được cha mẹ, ông bà mong chờ trong cả một năm. Tết Giáp Thìn này chúng ta hãy cùng học vài món ăn truyền thống và cùng bà, cùng mẹ nấu ăn và chia sẻ câu chuyện bên mâm cỗ ngày Tết miền Nam cổ truyền nhé!