Nỗi nhớ Tết Việt từ Châu Phi

Đức Thiện|09/02/2024 10:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những ngày cận kề Tết Giáp Thìn, trong khi người người chuẩn bị cho Tết thì vẫn có những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm làm việc để canh gác cho bình yên của người dân và nền hòa bình thế giới. Trong số đó, phải kể đến những người lính “mũ nồi xanh”, thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang làm việc tại Trung Phi.

Triển khai lực lượng từ năm 2014, đến nay Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam liên tục gửi cán bộ, chiến sĩ đến làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Trung Phi, Nam Sudan... Những cán bộ, chiến sĩ này tham gia cùng với lực lượng của Liên hợp quốc để chung tay gìn giữ hòa bình tại những “điểm nóng” về an ninh, hoặc các quốc gia có nội chiến với mục đích cao nhất là bảo đảm an toàn cho người dân. Họ được gọi với cái tên thân mật là chiến sĩ “mũ nồi xanh”.

Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, tất cả các hoạt động tại các phái bộ vẫn diễn ra bình thường. Những người lính “mũ nồi xanh” không có ngày nghỉ Tết. Tuy nhiên, họ vẫn tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi để sắm sửa, chuẩn bị các vật dụng cho một cái Tết “đặc biệt” trên mảnh đất Trung Phi nhiều bất ổn.

W_img_1704857940440_1704859389542.jpg
Công tác nhân đạo của các chiến sĩ "Mũ nồi xanh" Việt Nam không chỉ lan tỏa mạnh mẽ đến người dân bản địa mà còn truyền cảm hứng đến đồng nghiệp quốc tế

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, Đại úy Trần Thị Huệ, sĩ quan Truyền thông thuộc phòng Truyền thông, Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại CH Trung Phi (MINUSCA) cho biết: “Thực sự đây là một cái Tết vô cùng đặc biệt không chỉ với tôi mà với tất cả những quân nhân Việt Nam đang được triển khai tới các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Ở Trung Phi kiếm một bó hoa cắm cho vui thôi cũng là điều xa xỉ, chứ đừng nói là tìm một cây hoa để trang trí. Do đó, chúng tôi đã gắn trang trí bông đào, mai lên một vài cây có sẵn trong khu vực nhà ở để có thêm không khí “Xuân” như ở nhà. Khá bất ngờ khi ở đây cũng có lá dong, bởi người dân Trung Phi - họ cũng gói các loại bánh của họ bằng lá này, nên chúng tôi mới có cơ hội được gói bánh chưng, và có bánh chưng tức là có không khí Tết rồi”.

Cũng theo Đại úy Trần Thị Huệ, những người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam tại Trung Phi ngoài việc chuẩn bị cho Tết cổ truyền còn tranh thủ quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.

“Chúng tôi tổ chức gói bánh chưng và cùng nhau canh nồi bánh trong một khung cảnh xa lạ, nhưng không khí vẫn rất tình cảm, ấm cúng như ở nhà. Bánh chưng chín sẽ được đặt lên ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, số còn lại sẽ mang tới trụ sở làm việc để tặng bạn bè quốc tế và chia sẻ với họ về Tết cổ truyền Việt Nam. Tất cả hoạt động ý nghĩa này ở vùng đất châu Phi nghèo và thiếu thốn cho tôi một trải nghiệm đáng nhớ mà đời quân ngũ khó có lại lần hai”. – Đại úy Trần Thị Huệ chia sẻ.

Dù còn nhiều khó khăn và hiểm nguy, thậm chí phải đối diện với những hi sinh, mất mát, nhưng những người chiến sĩ “mũ nồi xanh” hàng ngày hàng giờ vẫn cần mẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong năm 2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình đã gửi thư khen, thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế và chất lượng, năng lực của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Những người chiến sĩ “mũ nồi xanh” đã mang đến bạn bè thế giới hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa chuyên nghiệp, vừa thân thiện, có trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ hòa bình trên thế giới.

Bài liên quan
  • Giữ hồn Tết Việt trong gánh tò he
    Trong ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam, tò he luôn là một món đồ chơi đặc biệt bởi nét tạo hình độc đáo và sắc màu rực rỡ. Tò he không chỉ đơn thuần là đồ chơi mà còn lưu giữ nét văn hóa dân gian từ xa xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nỗi nhớ Tết Việt từ Châu Phi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.