Rực rỡ hoa lụa đón Xuân về

Nguyễn Lương|13/02/2024 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Màu sắc tinh tế, đa dạng về chủng loại, bền bỉ với thời gian, hoa lụa nói riêng đang ngày càng được nhiều người lựa chọn để trang trí khi Tết đến, Xuân về.

Hoa lụa ngày càng được ưa chuộng mỗi dịp Tết đến Xuân về

Những ngày mùa đông của tháng Chạp, khi mai, đào, quất, bưởi xuống phố, bên cạnh hoa tươi, thị trường hoa lụa cũng đón đông đảo người chơi hoa ghé thăm. Đủ các loài hoa nào hoa tulip, mẫu đơn, diên vĩ, cẩm chướng, mộc lan, địa lan, vũ nữ, hồ điệp, hoa hồng, hoa cúc, hoa sen…. được làm thủ công với đường nét sinh động, tinh tế đến từng chi tiết nhỏ trên mỗi cành lá, nụ hoa.

5-tr59.jpg
Những bông hoa lụa sống động đầy màu sắc chào đón mùa Xuân mới

Loại hoa này được làm từ lụa chất liệu cao cấp. Các chi tiết cánh hoa, lá hoa được gắn kết chặt chẽ, màu sắc hài hòa, tươi tắn, không khác gì so với hoa thật, rất có hồn. Hoa làm từ chất liệu lụa bền màu và có thể lau giặt thoải mái khi bụi bẩn. Ngoài các mẫu bán sẵn, hiện nay các cửa hàng có xu hướng cắm hoa theo yêu cầu của khách hàng như: Theo sự kiện, “tông” màu phù hợp với màu sơn, nội thất cho ngôi nhà.

Đẹp và đa dạng là vậy, thế nhưng, để có một bình hoa lụa độc đáo có hồn không hề đơn giản. Cách phối màu sắc và lựa được lọ cắm phù hợp sẽ giúp cho mỗi bình hoa lụa thêm sống động. Có thể thấy dù chất liệu có tốt đến đâu thì hoa lụa cũng không tránh khỏi sự khô cứng, do đó người cắm hoa phải khéo léo thể hiện ý tưởng của mình một cách tinh tế nhất, tỉ mỉ nhất mới khiến tác phẩm của mình sống động, sang trọng như thật.

Dù được bày bán quanh năm, song, vụ Tết được đánh giá là mùa thu nhập chính của các hộ kinh doanh hoa lụa, bởi số lượng bán ra gấp đôi, gấp ba ngày thường, các bình hoa có kích thước lớn được ưa chuộng hơn cả. Do đó, ai nấy đều cố gắng chăm chút, tỉ mỉ cắt tỉa, cắm những bình hoa đẹp nhất, độc đáo nhất.

Nghệ nhân hơn 50 năm "thổi hồn" lên những đóa hoa lụa

Nằm tại địa chỉ số 5 phố Chả Cá, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cửa hàng hoa lụa của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Mai Hạnh chỉ vỏn vẹn khoảng 10m². Nhưng cũng tại căn nhà nhỏ này lại chính là nơi nghệ nhân Mai Hạnh và các thành viên trong gia đình tạo ra nhiều tác phẩm hoa lụa thủ công sống động.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nghệ nhân Mai Hạnh cho biết: "Vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, Thủ tướng Chính phủ thời đó là ông Phạm Văn Đồng mở một trường dạy ở Hưng Yên dành cho những nghệ nhân giỏi có tên tuổi, về ẩm thực, nghệ thuật hoa lụa và tỉa hoa đu đủ... Song, mẹ tôi vốn là nghệ nhân Đông Dương và khi đó tôi được đưa đi sơ tán ở Hưng Yên để tiện trông nom. Gần một năm sau đó, tôi bắt đầu đi cùng với mẹ ở các lớp̣ dạy cách làm hoa lụa và bắt đầu học mót nghề từ đó..."

Bà Mai Hạnh tâm sự, cũng chính từ lúc đó mà đam mê cắt tỉa những loài hoa bắt đầu rực cháy. Từ những bông hoa đồng nội dọc đường bà ngắt về, bà bắt chước cắt tỉa theo và dần dần thạo tay, sau đó có thể tự tạo ra những bông hoa lụa đầu tiên. "Cắt tỉa hoa hoàn toàn bằng kéo, dần dần quen tay và tạo ra những tác phẩm bằng hoa lụa rất chân thật", nghệ nhân Mai Hạnh chia sẻ.

Cũng theo bà Hạnh, cửa hàng hoa hiện tại của bà là nơi lưu giữ hồn cốt biết bao loài hoa và phát triển như một loại hình đặc sắc của dân tộc. Chính sự tài năng, cẩn thận, tỉ mỉ của nghệ nhân Mai Hạnh nên người dân yêu quý gọi bà là "Nữ hoàng hoa lụa đất Hà thành" hay "Bông hoa lụa Hà thành".

Tại thời điểm đó, các tác phẩm hoa phong lan, với đầy đủ kiểu dáng khác nhau đã ghi dấu và để lại tình cảm yêu mến của người dân và du khách. Thời gian sau đó được sự khích lệ của mẹ nên bà Hạnh cũng đi thi và giành được nhiều huy chương Vàng, bàn tay Vàng... cùng một số giấy chứng nhận và bằng khen danh giá khác...

Với nhiều tác phẩm hoa tuyệt đẹp của mình mà bà Nguyễn Mai Hạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân khi mới 31 tuổi, và đến năm 2016, bà Hạnh chính thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Đến nay, đã có hàng ngàn tác phẩm hoa lụa được tạo ra bởi đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Mai Hạnh. Trong đó, phải kể đến tác phẩm hoa sen, bởi hoa sen dưới tay của nghệ nhân Mai Hạnh mang vẻ đẹp thuần khiết, có cả đài, nhụy và phấn hoa, cánh sen được nhuộm màu hồng, càng lên trên gần đài sen càng nhạt dần, nhìn như những bông hoa tươi. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát vô cùng chân thật, đậm nét văn hóa của người Việt.

Bà Mai Hạnh đã vinh dự được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mời đi các nước lớn để biểu diễn và giảng dạy như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Pháp...

Nhớ lại ký ức khi đó, nghệ nhân Mai Hạnh kể lại: "Vào năm 1988, tôi được mời sang Nhật Bản̉ biểu diễn cùng với 12 nghệ nhân khác trong khu vực Châu Á, họ đều có máy dập công nghiệp, mỗi lần dập được từ 8 đến 20 cánh hoa. Trong khi đó, tôi chỉ vỏn vẹn với chiếc kéo sắt và ít vải hoa. Khi đó tôi cũng hơi xấu hổ nhưng sau đó lại là người vinh dự và được chú ý nhất".

“Khi đó tôi chỉ có đôi tay và 1 chiếc kéo, nhưng bạn bè các nước đều yêu thích sản phẩm của tôi, đến gian hàng của tôi đông nhất. Khi ở Fukuoka, tôi được Nhật Hoàng tặng bằng khen. Đấy là niềm vinh dự lớn không những cho gia đình tôi mà cho cả đất nước Việt Nam”, bà Hạnh nhớ lại đầy vẻ tự hào và xúc động.

5-tr58.jpg
Nghệ nhân Nhân dân hoa lụa Mai Hạnh

Trong sự nghiệp làm hoa của nghệ nhân Mai Hạnh, bà luôn hy vọng về việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật cắt tỉa hoa lụa trong tương lai. Đối với nghệ nhân Mai Hạnh, việc giữ nghề làm hoa lụa đã khó mà giữ sao cho nghề không bị mai một lại càng khó hơn. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ nhân phải có định hướng truyền lại cho thế hệ trẻ, thế hệ nối nghiệp trong tương lai.

Bởi vậy, trong suốt những năm qua, ngoài việc tạo ra những sản phẩm hoa tại cửa hàng số 5 phố Chả Cá, nghệ nhân Mai Hạnh còn nhận lời mời đến những ngôi trường, làng nghề, làng hữu nghị để dạy nghề, truyền lại nghề cho biết bao thế hệ học sinh, tạo công ăn việc làm cho những người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ... Thậm chí, nghệ nhân Mai Hạnh còn chỉ dạy trực tiếp cho người ngoại quốc, những người là tín đồ của hoa lụa ở đất Hà Thành.

"Mỗi bông hoa lụa dù trông thật đến đâu thì nó vẫn là hoa giả mà thôi. Vì vậy, muốn thổi hồn vào những bông hoa đó, mỗi người nghệ nhân phải thực sự yêu thích hoa, tỉ mỉ, cẩn thận trên từng đường kéo. Đặc biệt phải nâng niu hoa...", bà Mai Hạnh tâm đắc.

Nghệ nhân Mai Hạnh ví dụ, để tạo ra những bông hoa sen lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ, trau chuốt cho từng hạt, nhụy, cánh hoa, bông hoa, đến việc phối vẽ màu của hoa; Vuốt hoa sao cho bông hoa nhìn mềm mại, uyển chuyển; Không chỉ có vậy, để mỗi bông hoa thêm sinh động, có hồn, bà đã thêm tinh dầu mang hương đặc trưng của từng loài hoa.

Bà Hạnh nói thêm: “Và niềm vui, niềm tự hào của tôi chính là từng tác phẩm hoa lụa luôn nhận được sự đón nhận, yêu mến của du khách trong và ngoài nước. Có lần trưng chậu hoa sen ra trước cửa, du khách nước ngoài đi ngang qua họ đã dừng lại tưới nước cho chậu hoa, hít hà mùi hương trên cánh sen mà không biết đó là hoa giả. Quả thực, những điều đó khiến tôi vô cùng tự hào”.

Với nghệ nhân Mai Hạnh, tạo ra những bông hoa lụa không chỉ là để lưu giữ nghề truyền thống của gia đình mà còn để quảng bá văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế và là món quà tinh thần tinh tế mà nghệ nhân Mai Hạnh muốn gửi đến cho đời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rực rỡ hoa lụa đón Xuân về