Người Chứt ơn Đảng

Mạnh Hùng|13/02/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

32 năm Quãng thời gian quá ngắn so với lịch sử phát triển của một cộng đồng người nhưng với người Chứt ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thì đó là quãng thời gian từ tối tăm bước ra ánh sáng. Được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện vào năm 1991. Kể từ đó, ngày đêm các anh cắm bản, kiên trì, bền bỉ, cầm tay chỉ việc, dựng nhà, khai hoang, trồng lúa, chăn nuôi, xây dựng cuộc sống mới. Ý Đảng, lòng dân 32 Xuân ấy biết bao là tình!

Cuộc sống rừng sâu, hôn nhân cận huyết, nguy cơ tuyệt chủng

Một ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024, con đường nhựa ngoằn ngoèo từ thị trấn Hương Khê vào bản Rào Tre, xã Hương Liên dài khoảng 30km dẫn tôi đến nhà anh Hồ Văn Nam, đảng viên, Trưởng ban công tác Mặt trận bản. “Hàng chục ngôi nhà nằm dưới chân núi Ka Đay trở thành nơi “an cư, lạc nghiệp” của 46 hộ với 156 nhân khẩu người Chứt ở bản Rào Tre những năm qua” - Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh niềm nở đón và giới thiệu với chúng tôi.

5-tr70.jpg
Bà Hồ Lĩnh ở bản Rào Tre biểu diễn đàn Chư ra bon

“Ngỡ ngàng” - Phải nói như vậy vì quan sát trong nhà anh Nam tôi thấy khá đầy đủ tiện nghi, từ ti vi, bàn ghế, tủ lạnh đến bếp ga, xe máy… “Tất cả đều nhờ ơn Đảng và công sức bộ đội đấy cán bộ à, chứ trước đây người Chứt khổ lắm.” Lời tâm sự ấy làm tôi phần nào hiểu vì sao người Chứt giờ đây một lòng tin theo Đảng.

Theo anh Nam thì người Chứt cư trú chủ yếu ở Quảng Bình từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Sau đó một nhóm người Chứt, trong đó có ông bà, cha mẹ anh Nam từ tỉnh Quảng Bình bỏ lên rừng sinh sống trong hang đá, thuộc dãy núi phía Tây huyện Hương Khê, tồn tại chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm. “Ngày đó người Chứt đi kiếm cái ăn trong rừng gặp bộ đội cứ đi “ngó nghiêng” thấy sợ nên người Chứt bỏ trốn. Nhiều lần như thế nhưng họ không làm hại ai mà lại thân thiện nên người Chứt không trốn nữa. Họ vận động, đưa người Chứt về sống ở bản Giàng, xã Hương Lâm. Không quen cái nhà, nhớ hang đá nên người Chứt lại bỏ bản về với rừng già, rồi bị lãng quên” - Anh Nam nhớ lại.

Kiên quyết không để đồng bào Chứt sống trong rừng sâu, năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh lập bản nhỏ dưới chân núi Ka Đay để đưa người Chứt xuống sinh sống. Từ đó, người Chứt có không gian riêng, được bộ đội dạy nghề, dạy tiếng nói, chữ viết… Trung tá Nguyễn Văn Thiên cho biết, những ngày vừa rời rừng sâu, người Chứt không có tên, không biết tuổi nên bộ đội “lấy họ Bác Hồ, nhìn mặt đặt tên” và đoán tuổi từng người để làm giấy chứng minh nhân dân.

Sinh sống một thời gian thì người Chứt lại đối diện với vấn nạn hôn nhân cận huyết, làm suy giảm giống nòi. Trước thực trạng đó, bộ đội, chính quyền nỗ lực tuyên truyền và có chính sách khuyến khích nam, nữ trong bản lấy người Kinh hoặc lấy người Chứt ở bản Cà Xèng (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Cùng với đó, năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh ban hành Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Mục tiêu của Đề án là bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt; Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, từng bước xóa đói, giảm nghèo; Nâng cao trình độ dân trí; xây dựng cơ sở hạ tầng; Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống…

Nhờ đó, đến nay, người Chứt ở huyện Hương Khê có 60 hộ, hơn 200 nhân khẩu. Đặc biệt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên có 46 hộ, 156 nhân khẩu, có chi bộ với 10 đảng viên. Hệ thống nhà ở, điện chiếu sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng; Đa số người dân biết chữ; Có nhiều em trúng tuyển đại học, cao đẳng; Nhiều thanh niên nhập ngũ…

Gian nan xóa mù chữ

“Kết quả trên có nhiều sự chung sức, đồng hành nhưng không thể không kể đến sự nỗ lực, khát vọng của người Chứt. Để hiện thực hóa mục tiêu của Đề án, chỉ nỗ lực của chính quyền, bộ đội là không đủ mà phải có ý thức vươn lên của đồng bào, vai trò lãnh đạo của Chi bộ người Chứt”.

5-tr-71.jpg
Niềm vui trong ngôi nhà mới của gia đình anh Hồ Văn Nam

Theo anh Thiên thì khi định cư xong, “người Chứt phải có chi bộ” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng là trăn trở, tâm huyết của các thế hệ Bộ đội Biên phòng. Nhưng “có bột mới gột nên hồ”, thời gian đầu tái định cư, bà con 100% là mù chữ thì lấy gì gây dựng. “Tìm lời giải cho bài toán ấy không khó. Đó là phải xóa mù chữ. Nhưng xóa như thế nào, bắt đầu từ đâu mới là vấn đề” - Anh Thiên giãi bày.

Đón chúng tôi ở cổng bản Rào Tre là ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên. Đề cập đến công tác xóa mù chữ, ông Sánh chia sẻ những trăn trở của mình: “Nói thì dễ lắm nhưng làm thì khó lắm anh à. Hơn 30 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hương Khê cùng với Bộ đội Biên phòng kiên trì bám bản vận động người Chứt học chữ mới thay đổi được nhận thức của bà con. Suy cho cùng vấn đề căn cơ là phải xóa mù chữ, bởi khi bà con biết đọc, biết viết rồi thì nói gì, làm gì bà con cũng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo”.

Được biết, tại Trường Tiểu học Hương Liên có mô hình lớp ghép bậc Tiểu học nhằm giúp học sinh là con em người Chứt tự tin hơn khi về trường trung tâm học tập hoặc theo học các bậc cao hơn. Ông Sánh kể: “Gian nan nhất là những ngày mưa gió, rét, các em sẽ không đến trường. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng và các cô giáo vất vả lắm! Sáng sớm tinh mơ, khi con gà rừng chưa cất tiếng gáy, các cô, các chú đã thức dậy, thay phiên nhau đến gõ cửa từng nhà đánh thức các cháu dậy đi học, đến đêm lại dạy chữ cho người lớn”.

"Cái chữ" đến được với người Chứt càng khó bởi đồng bào học theo kiểu “lâu nhớ nhanh quên”, lại quen với việc “thức đêm, ngủ ngày” của lối sống hoang dã trước kia nên nếu không được thúc giục, sẽ không ai chịu đến trường. Nhờ “mưa dầm thấm lâu”, đến nay người Chứt đã biết chữ và nói sõi tiếng Việt. Toàn bản Rào Tre hiện có hơn 50 em đang theo học từ mầm non đến trung học phổ thông. Đây chính là những “hạt giống đỏ” được ươm mầm để phát triển Đảng trong đồng bào người Chứt.

“Hạt giống đỏ U40”

Vì không biết chữ nên bà Hồ Nam, 58 tuổi trước đây không muốn tiếp xúc với người lạ, tay cầm cuốc, cầm rựa chắc hơn cầm bút khiến việc vận động bà và mọi người đi học là điều không dễ dàng. Bà Nam kể lại lần đi khám ở Trung tâm y tế xã, cầm trên tay phiếu khám, được y tá hướng dẫn đến phòng này, phòng kia, bà cứ lóng ngóng, gặp ai cũng hỏi đến ngượng chín mặt bởi không biết đọc biển để đến đúng phòng khám. Sau lần xấu hổ đó hiểu được việc học chữ rất có ích, bà quyết tâm học chữ.

5-tr-72.jpg
Tình quân dân bên bếp lửa hồng những ngày Xuân mới

Nhờ biết chữ mà bà Nam sau đó được lựa chọn làm “hạt giống đỏ” để gây dựng Chi bộ bản Rào Tre khi đã 40 tuổi. Bà trở thành đảng viên đầu tiên của người Chứt, được tín nhiệm bầu làm Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ, đại biểu HĐND xã và huyện. Bà luôn gương mẫu và là một điển hình phát triển kinh tế với 3 sào lúa, nuôi 9-10 con trâu, bò, lợn, hàng chục con gà... “Mãi mãi tôi không bao giờ quên cảm giác vui sướng khi đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng vào năm 2003. Kể từ đó, tôi nguyện một lòng tin theo Đảng, cống hiến, tận tụy, trách nhiệm với cộng đồng”.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên nhận xét: “Bước ra từ rừng già tăm tối, bà Hồ Nam là đảng viên đầu tiên của người Chứt ở bản Rào Tre. Dưới sự dìu dắt của mẹ, các con của bà cũng lần lượt trở thành những “hạt giống đỏ”, tiên phong mang ánh sáng của Đảng rọi soi nơi chân núi Đa Kay... 20 năm đồng hành với đồng bào Chứt, bà và ban cán sự bản luôn lắng nghe và làm theo các chỉ dẫn của cán bộ, xung kích đi đầu trong mọi hoạt động. Bà nhắc nhở dân bản phải tin vào Đảng, cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, chăm chỉ làm ăn, không bỏ lên rừng, không săn bắn muông thú, giảm uống rượu, từng bước đoạn tuyệt các hủ tục lạc hậu...”.

Để thuận lợi hơn trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính quyền các cấp vào cuộc sống người Chứt, tháng 8/2017, Chi bộ bản Rào Tre được thành lập. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đây được xem là bước tiến mới trong công tác phát triển Đảng ở đồng bào dân tộc Chứt.

Được biết, từ những đảng viên đầu tiên, đến năm 2020, Chi bộ Rào Tre có 7 đảng viên. Hàng năm, Chi bộ bản Rào Tre tổ chức kết nạp từ 1-2 đảng viên. Đến năm 2023, Chi bộ có 10 đảng viên (9 người đồng bào Chứt, 1 người Kinh), trong đó năm 2021, kết nạp 2 đảng viên; năm 2022, kết nạp 1 đảng viên. Đây là những “hạt giống đỏ” tốt nghiệp Trường THPT nội trú huyện Hương Khê, được Bộ đội Biên phòng, Chi bộ Rào Tre giáo dục, bồi dưỡng, tạo nguồn cảm tình Đảng. Điển hình như các em Hồ Thị Duyên, sinh năm 1995, kết nạp năm 2016, em Hồ Đình Thông và Hồ Thị Khuyên, đều sinh năm 1998, kết nạp Đảng ngày 08/9/2021; em Hồ Thị Thường, sinh năm 2000 hiện là Phó Bí thư Chi đoàn bản Rào Tre cũng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngày 11/11/2022.

Được biết, hai em Duyên và Khuyên đều là con gái bà Hồ Nam. Duyên nói: “Noi gương mẹ, sau khi được kết nạp Đảng, em chăm lo phát triển kinh tế gia đình, quan tâm nuôi dạy con cái và tham gia các hoạt động cộng đồng, góp một phần công sức xây dựng bản làng văn hóa, đưa cuộc sống ấm no về với đồng bào”.

Đồng chí Nguyễn Văn Mận, Bí thư Chi bộ bản Rào Tre chia sẻ: “Nhờ sự hướng dẫn sâu sát của Bộ đội Biên phòng nên hoạt động của Chi bộ đã đi vào nền nếp. Nghị quyết ban hành luôn sát, đúng với những thuận lợi, khó khăn của bản; Chất lượng công tác bồi dưỡng nguồn kết nạp Đảng được nâng lên. Đặc biệt, trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hiến kế phát triển kinh tế, đấu tranh xóa bỏ điều xấu, hủ tục, lạc hậu, góp phần từng bước nâng cao đời sống người Chứt ở Rào Tre”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Chứt ơn Đảng