Biến đổi khí hậu

Nhiều hình ảnh sai sự thật về siêu bão Yagi tràn lan trên mạng xã hội

Thanh Thanh 07/09/2024 13:00

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hình ảnh sai sự thật được chú thích là hình ảnh thực tế của siêu bão Yagi cùng những hậu quả tàn khốc mà cơn bão này đem lại.

Theo đó, ngày 6/9, một số trang tin, fanpage trên Facebook đã chia sẻ một bức ảnh với dòng chú thích: "Hình ảnh siêu bão nhìn từ vệ tinh, mức cảnh báo thảm họa" hay "Quá mạnh, quá khủng khiếp. Siêu bão từ vệ tinh nhìn như một hố đen".

Một số trang còn đính kèm thông tin diễn biến của siêu bão Yagi. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng bức ảnh này là của siêu bão Yagi, rồi tiếp tục chia sẻ lại cùng những caption bày tỏ sự lo lắng, hoảng sợ về sức tàn phá của cơn bão.

Tuy nhiên, hình ảnh đang được chia sẻ này không hề liên quan đến siêu bão Yagi. Bức ảnh đã được chụp bởi phi hành gia Terry Virts từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2015. Bức ảnh cùng một vài hình ảnh khác được phi hành gia chia sẻ trên X (trước đây là Twitter) vào tháng 4/2015 với chú thích: "Mắt bão #Maysak thực sự nổi bật vào sáng sớm với bóng đổ sâu vào trong xoáy bão".

sai1.png
Những bài đăng thông tin sai lệch về siêu bão Yagi trên các trang mạng xã hội

Maysak là cơn bão mạnh nhất vào đầu năm 2015, kể từ năm 1971 và là cơn bão cấp 5 thứ ba xuất hiện ở Tây Bắc Thái Bình Dương trước tháng 4/2015. Cơn bão đã cướp đi sinh mạng ít nhất 5 người, gây thiệt hại hơn 8 triệu USD, buộc hàng chục nghìn người phải sơ bán ở Philippines. Trước đây, hình ảnh chụp bão Maysak của ISS đã nhiều lần lan truyền với thông tin sai lệch, gây hiểu lầm. Năm 2022, hình ảnh về bão Maysak cũng được chia sẻ và bị nhầm lẫn thành bão Nalgae, theo AFP.

Hay trong khoảng thời gian từ ngày 6 - 7/9, khi bão Yagi chuẩn bị tiến vào vịnh Bắc Bộ, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện rất nhiều bài viết đăng tải nhiều tấm hình ghi lại cảnh đổ nát, tan hoang sau bão. Kèm theo đó là chú thích: "Hình ảnh sau khi bão đổ bộ vào Philippines khiến hàng chục nghìn người tại miền trung Philippines ra đi..." hay "2 giờ sau khi SIÊU BÃO YAGI đi qua Philippines".

Những hình ảnh này sau đó đã lan truyền nhanh chóng và được nhiều tài khoản khác đăng tải/chia sẻ lại.

sai2.png
Một số hình ảnh sai sự thật được chia sẻ trên Facebook liên quan đến hậu quả của bão Yagi

Trên thực tế, những hình ảnh được lan truyền trên mạng được chụp tại Philippines sau cơn bão Haiyan năm 2013. Đây là một trong những siêu bão lớn nhất từng được ghi nhận khi có sức gió cao nhất lên tới 313 km/giờ.

Vào ngày 8/11/2013, bão Haiyan - được gọi là Yolanda ở Philippines - đổ bộ vào miền trung quốc gia này, mang theo gió mạnh và mưa lớn gây ra lũ lụt, lở đất và thiệt hại trên diện rộng. Hơn 6.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa do cơn bão trên. Theo công bố chính thức của giới chức Philippines, số người chết trong bão Yagi tại nước này tính tới thời điểm hiện tại là 16 người. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng khoảng 4 triệu USD.

Đến sáng sớm nay (7/9), bão Yagi vẫn giữ cường độ mạnh cấp 14, giật cấp 17 khi hoạt động trên vịnh Bắc Bộ. Dự báo trong ngày hôm nay, bão đổ bộ Quảng Ninh – Thái Bình rồi quét qua toàn bộ miền Bắc nước ta với cường độ đổ bộ khoảng cấp 11 - 12, giật cấp 14.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều hình ảnh sai sự thật về siêu bão Yagi tràn lan trên mạng xã hội