Nhiều trường Đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2021

Hoàng Minh|24/12/2020 09:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mới đây, nhiều trường Đại học đã công bố kế hoạch tuyển sinh 2021. Đa số vẫn giữ phương án tuyển sinh ổn định như năm 2020.

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa cho biết năm 2021 dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4 – 5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000 – 2.000 thí sinh.

Trước đó, năm 2015 ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức kỳ thi riêng với bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào. Nhưng đến năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định dừng tổ chức kỳ thi này và chỉ xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi THPT quốc gia.

Ngoài ra, trường vẫn xét tuyển theo phương thức khác như tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELST và tương đương, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra kế hoạch tuyển sinh theo 3 hình thức. Giống như năm 2020, trường vẫn tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển nhưng bổ sung môn thi để thí sinh có thêm lựa chọn cho mùa tuyển sinh 2021.

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo hồ sơ năng khiếu dành cho đối tượng là học sinh lớp chuyên, học lực giỏi; học sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh, chứng chỉ SAT, A-level; học sinh đat học sinh giỏi tỉnh trở lên ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học. Phương thức này sẽ được triển khai sớm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra.

Phương thức 2: Tuyển sinh từ kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức. Dự kiến, ngoài bài thi đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn Toán có phần tự luận như năm 2020, trường sẽ bổ sung tổ hợp môn Khoa học tự nhiên để thí sinh có thêm lựa chọn. Qua đó, thí sinh có thể lựa chọn thêm môn thi để theo học các ngành kỹ thuật khác.

Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Ảnh minh họa.

Trong đề án dự kiến, năm 2021, ĐH Văn Lang mở một số ngành mới thuộc khối Sức khỏe. Trường công bố tuyển dự kiến 7.000 chỉ tiêu với 50 ngành đào tạo.

Khối ngành Sức khỏe, ĐH Văn Lang dự kiến mở các ngành Y Đa khoa, Y học cổ truyền bên cạnh những ngành hiện có như Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học.

Trường tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển độc lập, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển/thi tuyển đồng thời nhiều phương thức: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển kết quả học tập bậc THPT (học bạ); xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021; xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu (Vẽ, Âm nhạc, Sân khấu điện ảnh); xét tuyển thẳng (theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐH Văn Lang).

Trong đó, trường dành 60% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT, 30% chỉ tiêu cho kết quả kỳ thi THPT năm 2021, 5% chỉ tiêu theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2021 của ĐH Quốc gia TP.HCM và 5% chỉ tiêu cho phương thức Xét tuyển thẳng.

Năm 2021, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 50 ngành đào tạo.

Trường tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển độc lập, gồm xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2021 của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 hoặc 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu, theo 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, trường dành tối đa 50% chỉ tiêu để kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trường lấy từ cao trở xuống đến đủ chỉ tiêu.

Trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại, trường thực hiện xét tuyển theo các tiêu chí phụ là điểm môn Toán cao hơn (riêng 2 ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc là môn Tiếng Anh).

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dành tối đa 40% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT các năm. Trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 hoặc tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.

Phương thức xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM chiếm tối đa 5% chỉ tiêu. Thí sinh phải đạt từ 650 điểm trở lên.

Ngoài ra, trường xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT và xét học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (thí sinh phải đạt học lực giỏi). Trường dành tối đa 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.

Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM ổn định việc tuyển sinh với gần 3.500 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo. Trường có 4 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 65% tổng chỉ tiêu; xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM 5%; còn lại xét học bạ (học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn hoặc học bạ 5 học kỳ THPT, trừ học kỳ II lớp 12). 5 ngành mới dự kiến được mở gồm Bất động sản, Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ hoạ.

Năm nay, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi THPT của trường là 19-24, tăng 2-3 điểm so với năm ngoái. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Logistic và quản lý chuỗi cung ứng 24 điểm (tăng 7 điểm). Các ngành Kinh doanh quốc tế, Marketing có điểm chuẩn 23, các ngành còn lại dao động 19-22.

Hoàng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trường Đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2021