Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Theo Cúc Phương (Baodatviet)|16/05/2018 01:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 15/5, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Bộ Tài nguyên – Môi trường soạn thảo.

TS. Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ – Trung tâm KHCN khí tượng thủy văn và môi trường cho rằng, Nghị định của Bộ Tài nguyên- Môi trường ghi rõ việc xây dựng bản dự thảo là không phải căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường hay chiến lược quốc gia về bảo vệ tài nguyên và môi trường mà căn cứ vào cam kết của Việt Nam với thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Ông Ngữ cho rằng, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết không ràng buộc pháp lý, không có cơ chế pháp lý nào để yêu cầu Việt Nam phải thực hiện các cam kết về giảm phát thải nhà kính.

“Việt Nam có thể thực hiện các cam kết nhưng nó không phải là vấn đề cấp thiết để tiến hành lập tức. Trong khi quốc gia cũng còn rất nhiều các vấn đề khác cần rót ngân sách. Đặc biệt là tình hình thế giới đang biến động khôn lường, ảnh hưởng đến các chiến lược chung của các quốc gia. Chúng ta cần xem xét vấn đề này. Nếu tiếp tục quan trọng hóa vấn đề này, Việt Nam đang tự trói tay mình, gán trách nhiệm của Việt Nam với vai trò của các nước phát triển” – ông Ngữ nhận định.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, dự thảo Nghị định đã đề cập tới các nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhưng còn thiếu vai trò và nhiệm vụ của bên quan trọng nhất là Nhà nước.

“Dự thảo chỉ ghi chung chung “Nhà nước khuyến khích, Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ” nhưng không rõ ràng các ưu đãi là gì. Nghị định này cũng chung chung như các văn bản pháp luật khác, cuối cùng các doanh nghiệp không nhận được ưu đãi nào cả” – GS.TSKH. Nguyễn Đức Ngữ nói.

Ngoài ra, bản dự thảo Nghị định còn rất nhiều lỗi về diễn đạt, các khái niệm khoa học, giải thích từ ngữ cũng chưa hoàn toàn chính xác; thiếu các quy định về thi đua khen thưởng…

Cùng quan điểm này, GS.TS. Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, Việt Nam không bắt buộc thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính nhưng cũng nên có lộ trình để thực hiện theo các cam kết quốc tế.

Nghị định này thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính do vậy, cần sát với thực tiễn ở Việt Nam với các con số minh chứng.

“Việt Nam chưa nằm ở diện bắt buộc thực hiện giảm phát thải nhà kính, nên chúng ta không nên thổi phồng các con số” – ông Hồng nhận định.

Ông Hồng cho rằng, dự thảo Nghị định cần phải thể hiện rõ tính đặc thù của Việt Nam là nước sản xuất chủ yếu nông nghiệp (chứ chưa mạnh về công nghiệp) do đó cần sự hỗ trợ quốc tế về vốn, công nghệ, kiến thức… để đạt được các chỉ tiêu giảm phát thải khí mong muốn.

Đập thủy điện nhỏ làm lũ lụt vào mùa nước và hạn hán trong mùa khô

GS.TS. Vũ Trọng Hồng cũng cho rằng, nếu không xác định được rõ các con số về phát thải khí nhà kính của Việt Nam để đặt ra theo lộ trình thì Việt Nam rất dễ rơi vào “cái bẫy” của nước ngoài. Các sản phẩm công nghệ là điểm yếu của Việt Nam sẽ được nước ngoài đẩy mạnh như thiết bị tiết kiệm điện, sản phẩm công nghệ gia đình vào thị trường nội địa. Cần nhớ thêm là Việt Nam đã có rất nhiều tỷ phú Thái Lan thâu tóm các doanh nghiệp lớn.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, cần làm rõ hơn vai trò của Nhà nước trong Nghị định này bởi theo các quy định mới của Ngân hàng Thế giới World Bank, Ngân hàng phát triển châu Á ADB và một số ngân hàng quốc tế khác, một khi Việt Nam muốn được vay vốn quốc tế để thực hiện các cam kết, bên vay (tức Chính phủ) phải thể hiện được việc quản lý thực hiện lộ trình cam kết.

GS.TS. Vũ Trọng Hồng cũng hoan nghênh dự thảo Nghị định là hiện thực hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam nhưng cần bám sát theo chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam. Ví dụ, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, giảm các dự án nhiệt điện, thủy điện nhỏ..

Từ đó, ông Hồng đề cập tới việc phải bỏ ngay các nhà máy thủy điện nhỏ, nhà máy nhiệt điện công suất thấp.

“Trong khi thế giới đang giảm số lượng các nhà máy thủy điện nhỏ và nâng cấp các nhà máy thủy điện lớn hoặc phát triển nhiệt điện xanh thì chúng ta lại xây thêm nhiều các nhà máy thủy điện nhỏ. Những nhà máy thủy điện nhỏ chỉ làm ngập lụt vào mùa nước và hạn hán vào mùa khô. Điều này là trái với xu hướng của thế giới” – ông Hồng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch LHH Việt Nam cho biết, Bộ Tài nguyên- Môi trường xây dựng “Dự thảo Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” và mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia đóng góp cho dự thảo Nghị định này.

Ông Mậu nhấn mạnh, vấn đề đặt mục tiêu giảm phát thải nhà kính phải xác định được trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị ở từng lĩnh đến đâu, đặt mục tiêu lộ trình thế nào để giám sát quá trình thực hiện.

Liên quan đến việc Việt Nam đã cần thiết phải xây dựng Nghị định về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính hay chưa, ông Mậu cho rằng, đây thực chất là sự chọn lựa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Vấn đề này đã được đặt ra trong nhiều năm qua và trước khi thực hiện cần phải cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng.

Theo Cúc Phương (Baodatviet)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.