Xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng
Kể từ khi ra đời đến nay, thế hệ trẻ VN thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng; là nòng cốt, đội dự bị xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thế hệ trẻ Việt Nam - thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia, tre già măng mọc, trưởng thành từ những Đội cứu quốc, Tổng hội Sinh viên, VN tuyên truyền giải phóng quân, Đoàn quân 40 Nam tiến đến phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Năm xung phong”... đã góp sức mình vào chiến thắng trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trải qua 92 năm cống hiến và trưởng thành dưới ngọn cờ của Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, tổ chức Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam xây đắp nên những truyền thống vẻ vang
Khi đất nước được giải phóng, non sông Việt Nam liền một dải, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh triển khai một số phong trào cụ thể như: “Ba mũi tên tiến công chống tiêu cực và toàn Đoàn tham gia xây dựng Đảng” từ năm 1976, “Ba xung kích làm chủ tập thể” từ năm 1978.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV (năm 1980) đã quyết định đẩy mạnh phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia.
Sau khi Đảng Cộng sản VN khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V (năm 1987) phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là phong trào mang ý nghĩa lớn lao, là phong trào của thế hệ trẻ đi đầu trong công cuộc đổi mới, hành động vì tương lai của thế hệ trẻ, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó khẳng định vai trò của tuổi trẻ, góp phần đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn, khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ VI (1992) đã phát động và triển khai hai phong trào lớn là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”. Các phong trào được đoàn viên, thanh niên cả nước hưởng ứng sôi nổi và nhiệt tình.
Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ VII (năm 1997) tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” lên một tầm cao mới. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (2002) phát động phong trào “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ VN cùng siết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân VN đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Phong trào mới với sức sống mới đã thu hút hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học - công nghệ; thi đua lao động sáng tạo để lập thân, lập nghiệp; xung phong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã vận dụng sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình để xung kích bảo vệ môi trường. Không chỉ tuyên truyền kiến thức đến người dân, mà bằng những hoạt động cụ thể, chiến dịch ý nghĩa, thanh niên cả nước đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 – 2022”. Đề án nhằm nâng cao nhận thức và hướng tới thay đổi hành vi cho thanh thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giải pháp khác của Đề án là xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đoàn viên, thanh niên. Cụ thể, tiếp tục triển khai hiệu quả và xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, tuyên truyền trực quan như sử dụng hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi; biên tập và phát hành các tài liệu sinh hoạt chi đoàn - chi hội - chi đội…
Chương trình triển khai vận động đoàn viên, thanh niên sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thân thiện với môi trường, thực hiện xả thải đúng quy định, xây dựng các mô hình kinh tế xanh; hướng dẫn thành lập và duy trì các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường; hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động của các đội hình thanh niên xung kích tham gia làm sạch bờ biển; các đội hình thanh niên tình nguyện chuyên sâu phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân trong xử lý sự cố môi trường; các câu lạc bộ thanh niên tình nguyện về bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh” xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện, năng lượng; xây dựng nhà tránh lũ và các công trình bể chứa nước, bể lọc nước… cho đoàn viên, thanh niên và người dân tại các khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng của bão, lũ; triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân thích ứng với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn 2019 - 2022, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã triển khai hơn 390.000 vườn ươm cung cấp cây xanh, hơn 8.000 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với hơn 680.000 đoàn thanh niên tham gia.
Đã có gần 95.000 chi đoàn khu dân cư đã đăng ký thực hiện “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, đã có lần lượt gần 1.600 và khoảng 12.700 công trình thanh niên bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tương tự, có hơn 16.700 ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp liên quan đến nội dung Đề án của thanh niên được triển khai mới.
Đáng chú ý, nhờ những nỗ lực của tuổi trẻ cả nước và các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, đã có 1.052 nhà tránh lũ được xây dựng mới tặng bà con các địa phương. Tổng nguồn lực triển khai Đề án từ Ngân sách Nhà nước đạt hơn 53 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa đạt hơn 122 tỉ đồng.
Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2019 - 2022”, toàn bộ 7 chỉ tiêu của Đề án đều đạt và vượt mức đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu vượt mức gồm: Trồng mới 30 triệu cây xanh; tổ chức 8 nghìn lớp tập huấn; triển khai 200 công trình cấp tỉnh, 1.600 công trình cấp huyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ xây 250 nhà tránh lũ.
Hy vọng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đoàn viên thanh niên tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hơn nữa trong công tác đoàn và các phong trào thanh niên để đóng góp xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.