Những điểm du xuân hái lộc mùa lễ hội xứ Lạng đầu năm 2019

Thanh Lâm|03/02/2019 00:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Từ xưa đến nay, Xứ Lạng không chỉ là nơi buôn bán tấp nập, có cảnh đẹp kỳ thú mà còn là địa phương giàu vốn văn hóa truyền thống, nổi trội nhất là Lễ Hội dân gian dịp Tết Nguyên đán.

>>> Chiêm ngưỡng hai tuyệt tác tâm linh trên những đỉnh thiêng của Việt Nam

>>> Cảnh giác với những loài hoa đẹp nhưng có độc trong ngày Tết

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên Xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò…”

Tiết mục múa sư tử trong Lễ hội 

Đã từ lâu, câu ca dao ấy được in đậm vào tâm thức bao con người Việt Nam. Xứ Lạng không chỉ là nơi buôn bán tấp nập, có cảnh đẹp kỳ thú mà còn là địa phương giàu vốn văn hóa truyền thống, nổi trội nhất là Lễ Hội dân gian dịp Tết Nguyên đán.

Những năm trở lại đây, thay vì cụm từ “ăn Tết”, giờ nhiều người dân hay nói về “chơi Tết”. Khi việc ăn uống đã không còn quá quan trọng, nhiều người Việt Nam có thói quen đi chơi Tết. Xuân Kỷ Hợi đang đến gần, để không phải băn khoăn trong việc lựa chọn cho mình và gia đình những hành trình hợp lý thì Xứ Lạng chính là một trong những điểm đến lý tưởng cho chuyến du xuân hái lộc đầu năm 2019.

Trong đời sống văn hóa tinh thần, cùng với lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lạng Sơn là tỉnh có truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng đặc sắc. Một trong những thành tố quan trọng tạo nên diện mạo phong phú ấy là các lễ hội dân gian truyền thống. Theo thống kê của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn. Trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng hơn 340 lễ hội với tính chất, quy mô khác nhau. Các lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch hàng năm, tất cả đều mang ý nghĩa xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, các lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa – du lịch. Những lễ hội xuân này chủ yếu là cầu cúng thần thánh, thần linh, cầu Phật, một số lễ hội gắn với tên tuổi các nhân vật lịch sử có công với đất nước với các nghi lễ dâng hương hoa, rước kiệu, tế lễ.

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (TP.Lạng Sơn)

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Đây Là một trong những lễ hội quy mô lớn nhất của Lạng Sơn, năm 2016 – lễ hội này được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ được diễn ra với quy mô, hình thức và nội dung phong phú, đặc biệt là trò chơi cướp đầu pháo và rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và quay lại. Sở dĩ nội dung rước kiệu được coi là nội dung chính; quan trọng và hấp dẫn nhất, vì theo truyền thuyết sự việc trên có mối quan hệ mật thiết với nhau giữa đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ.

Theo truyền thuyết, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) thờ quan Tuần Tranh thuộc nhà Trần, do oan khuất nên ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau này, Tả đô đốc Hán quận công “Thân Công Tài” được nhà Lê cử lên Lạng Sơn đã minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh, sau khi ông mất người dân lập đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) để thờ cúng.

Cảm kích trước công ơn của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hàng năm, vào đúng giờ Ngọ người dân địa phương mở hội rước bát hương ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa. Ngày 27 sẽ rước kiệu quay ngược lại, đặc biệt ngày 27 diễn ra lễ cướp đầu pháo, theo quan niệm dân gian ai cướp được đầu pháo năm ấy sẽ gặp may mắn tài lộc. Hòa với trò chơi cướp đầu pháo, lễ rước kiệu, ở đây còn có nhiều hình thức vui chơi như thi đấu cờ người, múa sư tử, hát giao duyên (hát sli, hát lượn)… tạo nên không khí vui tươi nhộn nhịp cho cả một vùng thị xã, trong những ngày Xuân.

Vào hai ngày chính, khai hội 22/1 âm lịch và kết hội 27/1 âm lịch, toàn thành phố Lạng Sơn ngập chìm trong cờ hoa tưng bừng, các gia đình thường nghỉ việc lao động, dựng rạp trước cửa nhà, bày biện mâm lễ để cầu an, cầu lộc, cầu tài. Toàn bộ các gia đình đứng bên mâm lễ và chờ đợi giây phút rước kiệu thiêng liêng đi qua.

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống sinh động, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong tỉnh và khách thập phương dịp đầu năm.

Tiết mục đua thuyền trong Lễ hội Phài Lừa (H.Bình Gia, Lạng Sơn)

Lễ hội Phài Lừa (xã Hồng Phong, huyện Bình Gia)

Lễ hội Phài Lừa, Bình Gia được tổ chức vào ngày 4/4 âm lịch, định kỳ 3 năm 1 lần

Xuất phát từ truyền thuyết, Lễ hội Phài Lừa được tổ chức với ý nghĩa đón thần Rắn trở về Văn Mịch thăm bố mẹ và bà con dân bản. Đầu tiên là lễ rước bát hương dạo quanh bến đò Văn Mịch ý nghĩa của việc rước bát hương là đón chàng Rắn về thăm cha, mẹ và hỏi thăm dân làng xem bà con làm ăn, lao động sản suất ra sao. Sau phần lễ rước hương là phần đua thuyền, đây chính là để chào đón, để tưởng nhớ ngày rắn xuống sông đánh nhau với Thuồng luồng giữ yên cuộc sống cho dân bản.

Lễ hội Phài Lừa là lễ hội trọng điểm của huyện Bình Gia và tỉnh Lạng Sơn nói chung, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá. Qua đó, lập hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ VHTTDL công nhận Lễ hội Phài Lừa – Văn Mịch xã Hồng Phong, huyện Bình Gia là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội chùa Bắc Nga (thôn Bắc Nga, Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc)

Lễ hội chùa Bắc Nga được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm tại chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Hội chùa Bắc Nga khá nổi tiếng bởi lời đồn thổi “bướm thần mặt người” xuất hiện khoảng 4 năm về trước.

Chùa Bắc Nga nằm trên sườn đồi rộng thoai thoải, dưới tán cây đa cổ thụ, lưng tựa núi, mặt hướng ra sông Kỳ Cùng uốn lượn. Tuy không thật sự bề thế và hoành tráng như nhiều ngôi chùa khác nhưng chùa Bắc Nga từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng. Người đến hội Bắc Nga thì không thể thiếu việc vào chùa thắp đôi nén hương hay cúng bái Thần Phật. Phần lễ có các nghi thức cúng tế trong chùa, mời Tiên mời Phật về phù hộ cho dân chúng được bình an, hạnh phúc. Phần hội bao gồm múa sư tử, hát sli, hát lượn.

Hàng năm du khách đến với hội rất đông, xe cộ cờ hoa chật kín con đường thôn Bắc Nga. Nét độc đáo của hội chùa là hầu hết du khách đã đến đây đều tổ chức mua thịt lợn quay và các đồ ăn dân dã khác, tập trung thành từng nhóm trên các sườn đồi, bãi sông để vừa ngắm cảnh hội vừa thưởng thức các đặc sản ẩm thực Xứ Lạng trong tiết xuân ấm áp. Đây cũng là thú vui dã ngoại đầu xuân của du khách, rất phù hợp với các bạn trẻ.

Ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, các lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa – du lịch. Các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội chùa Tam Thanh, Lễ hội chùa Tân Thanh, Lễ hội Chùa Tiên (TP. Lạng Sơn), Lễ hội Bủng Kham (xã Đại Đồng, Huyện Tràng Định), lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn), Lễ hội đền Bắc Lệ… Những Lễ hội này vừa mang những đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam và vùng Việt Bắc vừa mang sắc thái riêng của vùng văn hóa Xứ Lạng. Thế nên chúng ta hãy lên lịch từ sớm để có những ngày Tết thực sự vui vẻ và ý nghĩa cùng với gia đình.

Thanh Lâm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những điểm du xuân hái lộc mùa lễ hội xứ Lạng đầu năm 2019
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.