Những điều cần biết về vắc-xin Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi trên toàn quốc

Hoàng Anh|27/10/2021 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dịch COVID-19 hiện vẫn đang lây lan mạnh ở nhiều quốc gia, trong khi đối tượng trẻ em lứa tuổi đi học chưa được tiêm chủng nhiều. Đây cũng chính là mối lo của cả thế giới, do đó việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết.

Theo Bộ Y tế, vắc-xin Covid-19 Pfizer-BioNTech (tên nghiên cứu: BNT162b2) của Hãng Pfizer – Mỹ đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp để ngăn ngừa Covid-19 ở những người từ 12 tuổi trở lên.

Vắc-xin Pfizer được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31-12-2020 và được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12-6-2021.

Ảnh minh họa

Cũng như tất cả các loại vaccine khác, trước tiến hành tiêm ngừa, trẻ đều được bác sĩ khám sàng lọc để đảm bảo đủ sức khỏe trước khi tiêm.

Đối với những trường hợp đang có bệnh nặng hoặc có sốt, hoặc được xác định là đang nhiễm/nghi ngờ nhiễm COVID-19 thì sẽ không được tiêm vắc-xin.

Để chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ, trước ngày đi tiêm vắc-xin, cha mẹ hãy:

Nói chuyện với con về lợi ích của tiêm ngừa;

Cho trẻ ăn uống đầy đủ, không để trẻ nhịn đói;

Nên mặc quần áo rộng rãi để dễ dàng bộc lộ nơi tiêm;

Tuân thủ 5K để bảo đảm không bị lây nhiễm COVID-19 tại nơi tiêm.

Ngay sau tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm ngừa. Sau đó về nhà, cha mẹ phải tiếp tục theo dõi các tác dụng phụ có thể gặp.

– Tại cánh tay tiêm:

  • Đau.
  • Mẩn đỏ.
  • Sưng tấy.

– Trên các phần còn lại của cơ thể:

  • Mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ.
  • Ớn lạnh.
  • Sốt.
  • Buồn nôn.

Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày kể từ khi tiêm vắc-xin. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo hàng rào bảo vệ và sẽ biến mất trong vòng vài ngày.

Trong thời gian theo dõi tại nhà, đặc biệt trong 7 ngày đầu, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện:

Trẻ than tê quanh môi hoặc lưỡi.

Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.

Trẻ than ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Hoàng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần biết về vắc-xin Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi trên toàn quốc