Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có văn bản số 19939 về việc tiếp tục triển khai tiêm vaccine COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong đợt tiêm chủng này, Sở Y tế Hà Nội sẽ sử dụng 304.140 liều vaccine COVID-19 Pfizer được phân bổ để tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 15 – 17 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn theo lộ trình hạ dần độ tuổi.
Trẻ em tại TPHCM tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn. Ảnh: Nguyễn Ly
Đồng thời, số vaccine này có thể sử dụng để tiêm trả mũi 2 cho trẻ em từ 15 – 17 tuổi sau khi đã hết đối tượng tiêm mũi một trên địa bàn, đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất là 3 tuần.
Để việc tiêm vaccine cho trẻ em được an toàn, theo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt mới đây CDC Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn về việc tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho người từ 12 tuổi trở lên với những điều cần biết như sau:
Trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19
Trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19, phụ huynh cần giải thích cho con hiểu tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Cho con ăn uống đầy đủ, không để bị đói khi đi tiêm.
Bên cạnh đó, trẻ sẽ được khám sàng lọc trước tiêm. Do đó, phụ huynh cần nói với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ có thể mắc để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phòng phù hợp trong buổi khám sàng lọc.
Trong khi tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo CDC Hoa Kỳ khuyến cáo, vaccine Pfizer-BioNTech được chỉ định cho mọi người từ 12 tuổi trở lên để giúp bảo vệ chống lại COVID-19.
Theo đó, trẻ cần được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech. Trong đó, mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên là 3 tuần với liều lượng vaccine nhận được ở trẻ giống như ở người lớn.
Trong suốt quá trình tiêm, phụ huynh cần an ủi trẻ.
Ngoài ra, để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm và trong 15 phút sau khi tiêm vaccine.
Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19
Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, phụ huynh sẽ được yêu cầu ở lại trong 15–30 phút để có thể quan sát trẻ. Trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, cần được điều trị ngay lập tức.
Trẻ có thể bị một số tác dụng phụ, đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng lớp bảo vệ. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng chúng sẽ biến mất sau vài ngày. Các tác dụng phụ có thể gặp như:
– Tại vị trí tiêm: Đau, đỏ, sưng.
– Biểu hiện toàn thân: Mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Những dấu hiệu cần lưu ý
Trong thời gian theo dõi tại nhà, đặc biệt trong 7 ngày đầu, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện:
Trẻ than tê quanh môi hoặc lưỡi. Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da. Trẻ than ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
Toàn thân thấy chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Diễm My