Những người thầm lặng làm cho Tết đẹp hơn

Thế Đoàn|11/02/2021 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Xe đẩy, chiếc chổi và xẻng làm bạn đồng hành, những người công nhân vệ sinh môi trường ở Thủ đô Hà Nội vẫn lặng lẽ quét dọn bên hè phố trong khi dòng người đang hối hả, tất bật về nhà để kịp ăn bữa cơm tất niên cũng như làm cơm cúng gia tiên đêm Giao thừa.

Chúng tôi sợ Tết

Năm nào cũng vậy, những người công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội đã quen với việc đón giao thừa trên đường phố. Khi mọi người xung quanh diện những bộ quần áo đẹp để đi đón giao thừa, xem bắn pháo hoa thì các chị vẫn cần mẫn với công việc của mình, chăm chỉ quét dọn từng mẩu rác trên đường để sáng mùng 1 Tết khi mọi người tỉnh dậy thì phố phường đã tinh khôi, sạch đẹp. Với họ, Giao thừa là thời gian họ bận nhất trong năm.

Chị Nguyễn Thanh Vân – Tổ trưởng Tổ môi trường số 8, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã có 26 năm đón giao thừa trên phố cùng với chiếc chổi, chiếc xẻng. “Tết năm nào cũng vậy, từ ngày 23 âm lịch cúng ông Công ông Táo đến tận sáng mùng 1 Tết, khối lượng rác thải trên địa bàn có những ngày gấp ba, gấp bốn lần những ngày trong năm. Công nhân, lái xe rác chúng tôi hoạt động liên tục mới đảm bảo được đường phố sạch sẽ, không bị ùn ứ rác thải. Tôi làm nghề này được 26 năm thì 26 cái giao thừa ở ngoài phố, không có ngày nghỉ, không có tất niên. Nhiều chị em sợ Tết, vì công việc tăng gấp ba, gấp bốn lần ngày thường”, chị Vân chia sẻ.

Cùng tổ với chị Vân, chị Trịnh Bích Hằng cũng có 24 năm gắn bó với nghề vệ sinh môi trường thì 23 năm chị không được đón giao thừa ở nhà, còn 1 năm là chị nghỉ chế độ sinh đẻ. Chị Hằng cho biết đêm giao thừa tất cả công nhân trong công ty phải tổng lực dọn dẹp sau khi người dân xem pháo hoa, đón giao thừa xong. Năm nào ít rác thì dọn đến khoảng 2 giờ sáng Mùng 1 Tết sau đó mọi người mới nghỉ ngơi, liên hoan, còn năm nào nhiều rác thì dọn đến 5 giờ sáng mới xong. Chị Hằng kể về kỷ niệm: “Giao thừa năm 2020, mưa gió rất to, những quán đào, quất không bán được họ bỏ lại trên vỉa hè khiến cho lượng rác tăng nhiều. Chúng tôi phải lấy dao chặt cây thành những cành nhỏ mới thu gom được. Tuy nhiên, mọi người vẫn cố gắng dọn đến sáng để đảm bảo sáng Mùng 1 Tết đường phố ở Thủ đô được sạch đẹp. Trong 24 năm làm nghề này chỉ có duy nhất 1 năm 2018 chúng tôi thu gom dọn dẹp xong đường phố lúc 23 giờ hơn, chị em trong tổ mới tụ tập lại để tất niên đón giao thừa ngay trên vỉa hè thôi nhưng rất vui và ấm cúng”.

Những người công nhân vệ sinh môi trường dọn rác trên phố luôn thầm lặng làm cho Tết được đẹp hơn.

Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của công nhân vệ sinh môi trường tương đối vất vả, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cũng như tai nạn giao thông. Hơn nữa, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm trên thế giới và nhập cảnh vào Việt Nam đều tăng khiến cho những người làm vệ sinh môi trường càng thêm lo lắng. Thế nhưng những người như chị Vân hay chị Hằng đều chỉ mong muốn mỗi người dân có thêm ý thức về phân loại rác, bảo vệ và giữ gìn môi trường để công việc của các chị bớt một phần vất vả.

Đằng sau những vất vả, nguy hiểm đó thì không thể không nhắc đến gia đình hậu phương vững chắc của họ. Nhờ những sự đồng cảm, chia sẻ và động viên từ người chồng, người con mà họ có thêm sức khỏe, động lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ làm đẹp cho Thủ đô, làm đẹp cho đời. Chị Vân chia sẻ: “Mình là tổ trưởng thì trách nhiệm phải cao hơn, từ ngày 28 đến sáng Mùng 1 Tết công việc rất nhiều không thể bỏ đi sắm sửa, làm cơm cúng như những người phụ nữ khác được. Cái này thì ông xã và các con rất hiểu và thông cảm cho mình, nên các con cũng rất ngoan, phụ giúp bố và ông bà chuẩn bị Tết. Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em gia đình không ủng hộ, có trường hợp đêm Giao thừa chồng ra tận nơi để nói chuyện, phàn nàn. Xong chị em cũng đồng cảm và động viên nhau cùng cố gắng vừa là kế mưu sinh nhưng cũng là công việc làm đẹp cho đời, làm đẹp cho xã hội”.

Làm hết rác chứ không làm hết giờ

Vì đã có thâm niên trong nghề, nắm bắt được những quy luật của công việc và chuẩn bị sẵn tâm lý cho những đợt cao điểm như dịp trước và sau Tết Nguyên đán, nên những người công nhân vệ sinh môi trường như chị Vân, chị Hằng luôn tâm niệm “làm hết rác chứ không làm hết giờ”. Trong đêm giao thừa, các chị phải làm việc gấp ba, gấp bốn ngày bình thường nhưng vẫn luôn cố gắng hoàn thành để sáng Mùng 1 Tết ra đường là sạch sẽ, không còn tồn đọng rác.

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: “Hiện nay công ty có khoảng 5000 công nhân vệ sinh môi trường, mỗi ngày bình thường thu gom 6000 tấn rác trên địa bàn một số quận, huyện ở Hà Nội. Đến dịp Lễ, Tết thì khối lượng rác có thể tăng gấp đôi nên người lao động phải tăng ca mới đảm bảo thu gom, không để tồn đọng rác trên địa bàn. Ngày 30 đến rạng sáng Mùng 1 là huy động 100% anh chị em trong công ty phân công nhau làm nhiệm vụ dọn vệ sinh, giữ gìn phố phường sạch đẹp. Tại những điểm bắn pháo hoa, tập trung đông người thì duy trì các tổ thu gom, xe đẩy hoạt động liên tục vì vẫn còn nhiều người chưa có ý thức xả rác ra đường. Chị em vất vả nhưng làm lâu cũng hình thành thói quen làm hết rác chứ không làm hết giờ”.

Không chỉ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội mà tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đều xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường nhân lực, trang thiết bị để đảm bảo vệ sinh môi trường trong dịp Tết. Nhờ đó, trong những ngày Tết Nguyên đán, các tuyến đường của thành phố đều xanh – sạch – đẹp. Phần lớn công nhân dịp Tết trở về đến nhà gần như chỉ chợp mắt được lúc là lại phải thức dậy lo công việc của ca sáng. Đây là một công việc đặc thù nên dù có nhiều vất vả, khó khăn, song họ vẫn cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phải đảm bảo các chế độ, lương thưởng, kịp thời động viên người công nhân vệ sinh môi trường trong ngày Tết. Bà Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: “Vì tính chất công việc phải làm xuyên Tết nên công ty đã trả lương, thưởng Tết, tặng quà cho người lao động từ trước ngày 23 tháng Chạp để mọi người có thời gian sắm sửa, đón Tết. Rạng sáng ngày Mùng 1 Tết, lãnh đạo công ty sẽ đi chúc Tết và lì xì động viên mọi người cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cho đường phố Thủ đô được sạch đẹp”.

Hiện nay, tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội có 24 gia đình ba thế hệ làm công nhân vệ sinh môi trường. Mọi người đều chia sẻ rất tự hào về nghề của mình, bởi vì được góp công sức vào làm đẹp cho xã hội, làm đẹp cho Thủ đô. “Mỗi nghề đều có sự vất vả, nghề vệ sinh môi trường của chúng tôi cũng vậy. Cũng nhiều lúc tủi thân, một mình đẩy xe trên phố, nhất là những ngày trời mưa rét. Nhưng rồi làm lâu cũng thành quên, yêu nghề hơn và tự hào về những việc mình đã làm. Năm mới chỉ mong mọi người quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường hơn, không xả rác bừa bãi ra đường để công việc của chúng tôi bớt vất vả hơn và cũng là bảo vệ môi trường cho tương lai”, chị Vân bày tỏ.

Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, Ban biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống xin được gửi lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn đến những người đang làm công tác vệ sinh môi trường trên cả nước. Những đóng góp của họ trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, làm cho đường phố xanh – sạch – đẹp sẽ luôn là hình ảnh đẹp và đáng tự hào để nhắc nhở mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Vì một Việt Nam xanh!

Thế Đoàn

Bài liên quan
  • Rực rỡ phiên chợ Tết vùng cao Tây Bắc
    Moitruong.net.vn – Không chỉ được nhiều người biết đến qua những câu hát then say đắm lòng người, những ngôi nhà cheo leo trên đỉnh núi mà Tây Bắc còn nổi tiếng với những phiên chợ Tết rực rỡ sắc màu và mang đậm bản sắc vùng miền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người thầm lặng làm cho Tết đẹp hơn