Những nỗi lo không thừa vào dịp Tết
Mỗi dịp Tết đến, ngoài không khí vui tươi, vẫn còn đó những nỗi lo không thể không nghĩ đến, từ vấn đề an toàn giao thông đến tình trạng chặt chém, vệ sinh thực phẩm, hay nguy cơ cháy nổ. Đây đều là những mối lo lắng không chỉ của riêng tôi, mà còn của rất nhiều người khi bước vào những ngày lễ hội lớn nhất trong năm.
Tết là thời điểm nhu cầu di chuyển tăng cao, đồng nghĩa với việc mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng dày đặc. Những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông ngày Tết thường là uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, hay thiếu ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Khi đó, chỉ khi về đến nhà, chúng ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm, một cảm giác chung của hầu hết mọi người trong những ngày Tết.
Thứ hai, nạn chặt chém. Chặt chém du khách trong dịp lễ Tết là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn khiến nhiều người ám ảnh. Mặc dù giá cả đã niêm yết rõ ràng, nhưng không ít nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi, khách sạn lại lợi dụng dịp lễ để nâng giá vô tội vạ. Tôi cũng đã không dưới một lần "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi trả tiền cao hơn giá niêm yết cho những món ăn, thức uống hay dịch vụ du lịch mà mình đã chọn. Cái điệp khúc “Tết mà!” thường được dùng như một lý do để biện minh cho việc này, khiến không ít du khách phải chịu thiệt thòi. Nhiều du khách không muốn phiền toái vào những ngày đầu năm nên cứ cho qua. Cứ thế nạn chặt chém lại tiếp tục tiếp diễn ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng gây bức xúc cho không ít người.
Thứ ba, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp Tết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại càng đáng lo ngại. Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trong các khu vực du lịch và chợ Tết, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Một số người vì thiếu kiểm tra kỹ lưỡng đã phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi ăn phải thức ăn không đảm bảo. Ngộ độc thực phẩm không phải là chuyện hiếm, do sự chủ quan và lơ là từ cả người bán lẫn người mua.
Ngoài ra, Tết cũng là dịp để các gia đình sum vầy, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu không tuân thủ các quy định an toàn.
Hầu như trong hướng dẫn sử dụng sản phẩm gia dụng như bếp gas, nồi cơm điện, ấm siêu tốc … đều có hướng dẫn cách phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên trong thực tế, có những trường hợp do diện tích nhà hay phòng trọ chật hẹp nên người sử dụng thường đặt vào bất kì chỗ nào miễn thuận tiện cho việc nấu nướng, sinh hoạt. Đó là chưa kể đến việc có đối diện với các hướng gió lửa hay chưa.
Một việc dễ gây cháy nổ với bếp gas nữa là do linh kiện bị hư hỏng do quá trình sử dụng mà không được phát hiện hay kiểm tra để thay thế hay bảo trì. Nồi cơm điện, nồi áp suất cũng là những vật dụng thiết yếu trong hầu hết gia đình hiện nay do tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, cháy nổ cũng bắt nguồn từ đây do những nguyên nhân sau : Nguồn điện sử dụng không ổn định do không có ồn áp hay dùng chung ổ điện với những thiết bị công suất cao như lò nướng, bếp hồng ngoại… Việc dùng chung như thế dễ gây cháy lan truyền khi xảy ra sự cố. Nấu lượng nguyên liệu không thích hợp gây quá tải cho thiết bị. Nhiều người không chú ý đến công suất sử dụng nên cho vào nồi lượng thức ăn không phù hợp, từ đó gây trào, tắc hệ thống xả áp, giảm tính an toàn cho thiết bị.
Ở góc độ cá nhân mình, tôi cho rằng mọi người nên có ý thức và ứng xử văn minh để giảm đi những nỗi lo không đáng có vào dịp Tết.