Những quyết định có hiệu lực từ tháng 4

Hà Thu (T/h)|01/04/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Giá tính lệ phí trước bạ đối với ôtô, xe máy cũ

– Lệ phí trước bạ với ôtô bán tải sẽ tăng hàng chục triệu đồng từ 10/4; chợ phải cách kho xăng tối thiểu 80 m để đảm bảo an toàn.

>>> Quận Tây Hồ: Nguồn nước ao hồ dần trong lành trở lại

>>> Hà Nội: Tích cực cải thiện chất lượng không khí

Giá tính lệ phí trước bạ đối với ôtô, xe máy cũ

Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ (LPTB) có hiệu lực từ ngày 10-4. Theo đó, giá tính LPTB đối với ôtô, xe máy đã qua sử dụng được quy định như sau: Ôtô, xe máy đã qua sử dụng thì giá tính LPTB là giá trị còn lại tính theo thời gian sử dụng của xe; ôtô, xe máy đã qua sử dụng mà chưa có trong bảng giá tính LPTB thì giá tính LPTB là giá trị sử dụng còn lại của kiểu loại xe tương đương trong nhóm kiểu loại xe đã có trong bảng giá. Quy định không áp dụng đối với ôtô, xe máy đã qua sử dụng nhập khẩu.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định giá tính LPTB đối với tài sản mua theo phương thức trả góp, cụ thể: Giá tính LPTB là giá trả một lần (không bao gồm lãi trả góp) được xác định theo quy định pháp luật bao gồm cả thuế nhập khẩu (nếu có), thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Đối với xe bán tải, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP, ôtô vừa chở người, vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ôtô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép hơn 1.500 kg nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu LPTB lần đầu. Hiện nay, LPTB ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống là từ 10%-15%, tùy từng địa phương, thì LPTB với xe bán tải tới đây sẽ khoảng 6%-9%, tăng gấp 3 lần so với mức 2% hiện nay.

Hướng dẫn mới về xác định tuyển sinh đại học

Có hiệu lực từ ngày 12-4, Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã bổ sung một số quy định mới liên quan đến việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy, theo đó, đối với các ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành; trường ĐH trong 3 năm liền kề không vi phạm quy định về tuyển sinh, có tỉ lệ 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm/năm trở lên thì được tăng thêm chỉ tiêu tối đa 10% so với năm trước liền kề đối với ngành chưa có chương trình kiểm định; nếu có sinh viên bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu nêu trên, còn được xác định chỉ tiêu tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của sinh viên bị sàng lọc trong 4 năm trước liền kề năm tuyển sinh. Ngoài ra, Quy chế tuyển sinh ĐH 2019 đã chính thức được ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng từ ngày 15-4.

Theo quy chế này, từ năm nay, ngoài ngành sư phạm thì ngành y cũng sẽ được Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, tức điểm sàn. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong hạn quy định. Quá thời hạn, thí sinh không xác nhận nhập học được xem là từ chối nhập học và trường xét tuyển thí sinh khác. Thí sinh xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

Học sinh giỏi mới được xét tuyển vào ngành Y khoa

Có hiệu lực từ ngày 15/4, Thông tư 02/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, trong đó có thay đổi liên quan đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm và y dược.

Trong đợt tuyển sinh năm 2019, với trường xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên, ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Từ đó, các trường sẽ xây dựng phương án xét tuyển.

Cụ thể điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định.

Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học được tính như sau: Đối với các ngành đào tạo giáo viên và ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên…

2 trường hợp tổ chức triển lãm phải xin giấy phép

Theo Nghị định 23/2019/NĐ-CP của Chính phủ, có 2 trường hợp tổ chức triển lãm phải xin phép. Cụ thể, triển lãm do tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đưa ra nước ngoài; triển lãm do tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.
Nghị định cũng yêu cầu, các tác phẩm, hiện vật, tài liệu tham gia triển lãm… không thuộc trường hợp bị đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu.
Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp.
Nghị định 23/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2019.

Cha, mẹ được thay đổi họ tên của con nuôi

Nghị định 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25-4.

Theo nghị định này, cha mẹ nuôi được yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi. Tuy nhiên, trong trường hợp con đủ 9 tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của con.

Nghị định cũng quy định khi hỗ trợ bằng tiền cho trại trẻ mồ côi, phải thực hiện thông qua tài khoản của trại. Khi hỗ trợ nhân đạo cho trại trẻ mồ côi, tổ chức, cá nhân không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi; cơ sở nuôi dưỡng cũng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì lý do đã nhận hỗ trợ nhân đạo.

Hà Thu (T/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những quyết định có hiệu lực từ tháng 4