Ninh Thuận: Đưa kênh chính Tân Mỹ vào sử dụng, đất nông nghiệp không còn khát nước

Tuấn Hưng|17/06/2021 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đến cuối năm 2021, toàn bộ hệ thống kênh chính Tân Mỹ sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Một vùng rộng lớn đất nông nghiệp của Ninh Thuận sẽ không còn lo khô hạn.

Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 7 (Ban 7) – chủ đầu tư, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là dự án đa mục tiêu, thích ứng biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận, một trong những vùng khô hạn nhất nước.

Để đáp ứng mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 550/QĐ-BNN-XD ngày 24/2/2020 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, với nhiệm vụ chính: Tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác (hồ Sông Cái tưới 680 ha, đập dâng Tân Mỹ tưới 6.800 ha); tiếp nước cho hệ thống thuỷ nông Nha Trinh – Lâm Cấm đảm bảo tưới tiêu cho trên 12.000 ha; tiếp nước cho nhiều khu vực các hồ Cho Mo, hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu, hồ Ông Kinh; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản đồng thời tham gia chống hạn cho khu vực dự án như hồ thủy lợi Phước Trung, Phước Nhơn, Thành Sơn và trạm bơm Xóm Bằng.

Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – CTCP đang khẩn trương thi công kênh chính Tân Mỹ để hoàn thành cuối năm nay. Ảnh: MP

Theo thiết kế, hệ thống kênh chính Tân Mỹ bằng đường ống thép có tổng chiều dài hơn 29km. Điểm đầu là hệ thống đập dâng Tân Mỹ và điểm cuối ở huyện Thuận Bắc. Ông Nguyễn Viết Tuyên, Trưởng phòng Kế hoạch – Thẩm định (Ban 7) cho biết, hệ thống kênh chính Tân Mỹ sẽ đảm đảo tưới cho 6.800 ha. Dự kiến trong năm 2021, toàn bộ hệ thống tuyến kênh này sẽ đưa vào sử dụng, tưới cho một vùng rộng lớn khô han trước đây.

Trước đó, từ 2018 đến 2020, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tổ chức thi công, thông nước kỹ thuật và bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành đến km22 và đảm bảo nước tưới cho 4.754 ha, tạo nguồn cấp nước chống hạn cho 400 ha khu tưới các hồ Phước Trung, Phước Nhơn và Thành Sơn, đặc biệt là tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và đảm bảo nước tưới cho cây lâu năm các xã bị hạn nặng như Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, Phước Trung

Theo các chuyên gia, với địa hình đồi núi như Ninh Thuận, giải pháp kênh bằng đường ống là giải pháp mang lại hiệu quả nhất vì giữ được đầu nước tưới được trên địa hình cao và rộng lớn như vùng tưới của Tân Mỹ.

Ngoài ra, giải pháp đường ống còn giảm tổn thất nước, đặc biệt hiệu ích mang lại lớn, nhất là chi phí khai thác sau này giúp giảm hao phí xã hội. Bên cạnh đó, kênh bằng ống kín rất phù hợp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trước đây, người dân muốn sản xuất nông nghiệp theo quy mô đại trang trại, phải tạo áp mới có thể sử dụng, còn nay có sẵn người dân cứ việc dùng. Công nghệ này khiến tổng mức đầu tư tăng, nhưng suất đầu tư trên đơn vị tưới giảm.

Tuấn Hưng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Đưa kênh chính Tân Mỹ vào sử dụng, đất nông nghiệp không còn khát nước