Thành viên CLB giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xã Phước Thắng
Xã miền núi Phước Thắng, huyện Bác Ái là địa phương có nạn tảo hôn cao, hàng năm từ 4-5 trường hợp nên Ban dân tộc tỉnh phối hợp chọn thí điểm thành lập mô hình CLB tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngay từ ngày lập, đã có 40 người đăng kí tham gia. Tất cả các thành viên trong Câu lạc bộ là đại diện lãnh đạo các đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật về hôn nhân – gia đình để giúp các thành viên trở thành tuyên truyền viên cho cộng đồng, xã hội trong lĩnh vực này.
Một buổi sinh hoạt của CLB tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết xã Phước Thắng
Việc tham gia trong câu lạc bộ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chỉ là tự nguyện nhưng hàng tháng các thành viên đều phối hợp tốt với địa phương tiến hành điều tra, khảo sát tình hình tảo hôn trên địa bàn, trên cơ sở đó, tìm hiểu nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Raglai. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ còn còn xây dựng các tiểu phẩm, các tiết mục văn nghệ để phục vụ truyền thông tại địa phương hoặc lồng ghép vào các buổi họp thôn.
Chị Pi Năng Thị Ngôn, Thành viên CLB Giảm thiểu Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xã Phước Thắng
Từng bị tảo hôn khi mới 17 tuổi, lúc đó chồng của KaTơ Thị Bích cũng chỉ mới 15 tuổi nên em hiểu được nỗi khổ khi còn nhỏ mà lập gia đình. Chính vì thế, Bích đã tình nguyện đăng kí tham gia vào Câu lạc bộ tảo giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của xã Phước Thắng. Theo Bích đa phần những cặp tảo hôn đều có điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo. Do đó, trong công tác tuyên truyền, ngoài sự tích cực của các thành viên trong câu lạc bộ, cần phối hợp với địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế… giúp các chị em thay đổi quan niệm về hôn nhân, ý thức hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Raglai. Từ thực tế của chính bản thân mình nên việc tuyên truyền của Bích luôn được các chị em đồng cảm và chia sẻ.
15 tuổi nhưng em Kadá Thị Minh đã lấy chồng và có con được 9 tháng
Đang học lớp 9, là thành viên trong câu lạc bộ Mã La của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc nhưng mới 15 tuổi, Pi Năng Thị Phượng cũng bỏ học để lấy Pi Năng Thiết, người cùng thôn. Giờ con đã gần 1 tuổi nhưng vợ chồng trẻ vẫn phải sống dựa vào cha mẹ do không có công ăn, việc làm. Hàng tháng, các thành viên trong Câu lạc bộ vẫn thường đến gia đình em để tuyên truyền 2 vợ chồng cố gắng chăm sóc tốt cho con và hỗ trợ trong cuộc sống.
Đang học lớp 9, Pi Năng Thị Phượng đã bỏ học lấy chồng
Theo khảo sát mới đây của Tổng cục thống kê, tình trạng tảo hôn của vùng đồng bào dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận chiếm gần 39%. Điều đáng nói là con số trên đang có dấu hiệu gia tăng qua từng năm, đặc biệt là trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái. Liên tiếp từ năm 2012 – 2015, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 30 trường hợp tảo hôn. Chính vì thế, việc thành lập câu lạc bộ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã Phước Thắng nói riêng và các xã của huyện Bác Ái nói chung sẽ là giải pháp hiệu quả trong việc tuyên truyền hạn chế nạn tảo hôn ở vùng đồng bào Raglai trong tỉnh.
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Để làm được điều này cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là việc phát huy vai trò của từng thành viên trong câu lạc bộ tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các địa phương.
Minh Triều