Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 18 triệu con gà, đứng thứ 2 cả nước. Trong đó, chủ yếu nuôi theo hình thức trang trại và xuất bán ra thị trường các tỉnh lân cận.
Từ sau Tết Nguyên đán, giá gia cầm liên tục giảm khiến người nuôi rơi vào cảnh thua lỗ. Hiện, giá gà tam hoàng giao động ở mức 21.000 – 25.000 đồng/kg. Trong khi giá gà lông trắng chỉ ở mức 15.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi bị lỗ từ 10.000 – 25.000 đồng/kg.
Hiện tại, khi bán mỗi kg gà, người nuôi bị lỗ ít nhất 10.000 đồng
Anh Hoàng Hữu Hạnh (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) nói, anh liên doanh với một công ty chăn nuôi trong tỉnh, mở 2 trang trại với tổng đàn trên 25.000 con thương phẩm. “Giá giảm kỷ lục trong 10 năm qua nên gia đình thua lỗ trên 200 triệu đồng. Công ty liên doanh không bán được gà nên tôi phải bỏ tiền duy trì đàn, chờ đợt tăng giá”, anh chia sẻ.
Trong khi các trang trại chăn nuôi tập trung bị thua lỗ thì các mô hình gà thả vườn rơi vào thảm cảnh tương tự. Người dân cho biết trước Tết Đinh Dậu, giá gà thương phẩm loại này đạt mức 65.000 – 75.000 đồng/kg nhưng nay chỉ giao động từ 43.000 – 53.000 đồng/kg. “Giá giảm sâu đã đành nhưng thương lái cũng không mặn mà nhập hàng nên gà đến thời kỳ xuất chuồng chúng tôi chả biết bán cho ai”, một nông dân nói.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá gà ở tỉnh đang ở mức thấp và nhiều khả năng tiếp tục giảm. Hiện tại, khi bán mỗi kg gà, người nuôi bị lỗ ít nhất 10.000 đồng. Điều này khiến nhiều trang trại lâm cảnh nợ nần và đứng trước nguy cơ phá sản.
Cũng theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá gia cầm giảm sút có một phần tác động bởi các thông tin dịch bệnh cúm A/H7N9 và do người nuôi ồ ạt tăng đàn. Ngoài ra, giá gia cầm nhập khẩu ở mức thấp nên giá thị trường trong nước cũng bị biến động.
Ông Nguyễn Kim Đoán đề nghị Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng phải có thông tin rõ ràng về vùng dịch để không ảnh hưởng đến những nơi chăn nuôi an toàn như Đồng Nai. Đồng thời, các ngành liên quan phải có biện pháp quản lý việc nhập khẩu gà để tránh tác động tiêu cực đến vùng chăn nuôi trong nước. “Quan trọng hơn, cần đẩy mạnh mô hình liên kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng để tất cả đều được hưởng lợi, ổn định”, ông Đoán nói.
Nguyễn Ánh