Nông nghiệp “bứt phá” từ khó khăn đến tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam

Trúc Lam (t/h)|23/05/2020 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và có vai trò quan trọng trong ổn định xã hội. Với thế mạnh nông nghiệp, Việt Nam có ưu thế đảm bảo an ninh lương thực hơn phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á

Bứt phá từ khó khăn

Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển sản xuất nông nghiệp hàm chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững…

Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong các tình huống bất ổn của đất nước nhưng ngành nông nghiệp năm nay cũng trải qua những khó khăn đến từ thiên tai, dịch bệnh và từ chính tác động của dịch COVID-19.

Đó là tình trạng mưa đá ở phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn gay gắt ở các tỉnh Tây Nguyên… tác động tiêu cực tới năng suất, sản lượng một số ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, trái cây, cà phê, hồ tiêu, cao su.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ năm 2019 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới ngành chăn nuôi.

Cùng đó, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam như Trung Quốc, EU, Mỹ buộc các nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, ngành nông nghiệp đang vượt qua khó khăn để vừa hoàn thành vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế vừa sẵn sàng nắm bắt cơ hội sau dịch khi các thị trường có nhu cầu hàng hóa nông sản tiêu thụ trở lại.

Về sản xuất, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.

Mặt khác, nhằm giải quyết các nút thắt cho phát triển sản xuất, duy trì thương mại nông sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng; chi phí sản xuất, thuế, phí, logistics…

Vai trò không thể thay thế

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nước ta 10 năm qua được tiến hành theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường, chuyển từ lúa sang cây ăn quả, rau; cơ cấu thủy sản tăng nhanh, nông nghiệp giảm; phát triển mạnh các chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa.

Đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển trên 27 nghìn mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, trên 1.600 chuỗi nông sản an toàn, trên 3.200 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi với sự tham gia của một số tập đoàn lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop…

Nhiều địa phương như Sơn La, Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu…đã tạo cơ chế, huy động doanh nghiệp đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại, gắn với nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có vị thế cao trong vùng và trên thế giới như tôm, cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, hồ tiêu, điều ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá bằng phương pháp sông trong ao tại Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên; mô hình trồng rau theo công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại nhiều tỉnh.

Nông nghiệp Việt Nam hiện đang tái cơ cấu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh.

Do trình độ canh tác ngày càng hoàn thiện nên năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao rõ rệt. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng mạnh, bình quân cả nước năm 2019 đạt 95,4 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 68% so với giá trị sản xuất đạt được năm 2010 là 54,6 triệu đồng/ha.

Một số địa phương đạt giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích rất cao như tại Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 502 triệu đồng/ha, Hà Nội đạt 259 triệu đồng/ha, Đồng Nai đạt gần 223 triệu đồng/ha, An Giang đạt 173 triệu đồng/ha.

Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia khẳng định, tuy tỷ trọng nông nghiệp trong kinh tế cả nước và kinh tế nông thôn giảm mạnh xuống dưới 14% nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam. Nền nông nghiệp nước ta đang hình thành nhiều vùng đặc thù theo chức năng: Nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp ven đô, nông nghiệp quy mô lớn sản xuất hàng hóa, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng tới thông minh.

Giai đoạn 2021 – 2025, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia là phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng khait thác lợi thế của mỗi vùng, miền.

Giải pháp để thực hiện định hướng này là thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và cấp mã vùng sản xuất.

Phát huy lợi thế tài nguyên biển để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, lĩnh vực chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm. Hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.

Trúc Lam (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp “bứt phá” từ khó khăn đến tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam