Nước ta xảy ra hơn 1.100 trận thiên tai trong năm 2023

Minh Phúc|23/12/2023 16:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.

Ngày 22/12, trong chương trình "Dấu ấn phòng chống thiên tai" năm 2023, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), cho biết trong năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai.

thien-tai.jpg
Ảnh minh họa

Cụ thể, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất: sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại TX.Sa Pa và H.Bát Xát (Lào Cai ) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích, trong đó đợt từ 13-17/11 tại Thừa Thiên Huế có nơi mưa trên 800mm/24 giờ, gây ngập lụt nghiêm trọng hạ lưu sông Hương và sông Bồ; tại Đà Nẵng đợt mưa từ 10-17/10 với tổng lượng trên 1.300mm gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều khu vực của thành phố,…

Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỉ đồng.

Ông Hải đánh giá, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, trong các đợt thiên tai năm 2023, nhất là trong mưa lũ, tại một số địa phương, người dân còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước, bị lật ghe….

Đại diện Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, qua thực tiễn ứng phó với thiên tai năm 2023 cũng như những năm vừa qua thì chúng ta có được một số kinh nghiệm như sau:

Một là, dự báo, cảnh báo sớm về mưa lớn, lũ, ngập lụt thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Hai là, sơ tán kịp thời người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất (trong đợt mưa lũ tháng 11 vừa qua không có người chết, mất tích do việc không sơ tán kịp thời; chỉ có 2 người bị thương do sạt lở đất ở Thừa Thiên Huế).

Ba là, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức lực lượng canh gác và cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Bốn là, chấp hành nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa trên lưu vực sông để vận hành đảm bảo an toàn công trình và giảm lũ cho hạ du.

Năm là, thường xuyên rà soát, cập nhật lại các phương án để điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thức tế.

Cuối cùng là việc thường xuyên tuyên truyền, tập trung cao điểm khi có thiên tai để nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu để cộng đồng chủ động chuẩn bị và ứng phó phù hợp với thực tiễn theo phương châm 4 tại chỗ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường tỉnh, đường tuần tra biên giới do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới diễn ra từ ngày 25 - 28/9/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nước ta xảy ra hơn 1.100 trận thiên tai trong năm 2023
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.