Ô nhiễm không khí – Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hen phế quản

Ly Ly|07/06/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây hen phế quản

(Moitruong.net.vn) – Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến tử vong. Và ô nhiễm không khí là tác nhân quan trọng gây ra bệnh hen phế quản.

Chậm điều trị là… chết

Hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới và ở nước ta, có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen trên phạm vi toàn cầu và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 400 triệu người.

Tử vong do hen cũng tăng rõ rệt ở nhiều nước. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trường hợp tử vong do hen, trong đó có khoảng 85% những trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.

Để phát hiện sớm bệnh hen phế quản, bác sỹ Vũ Văn Thành, Bệnh viện Phổi Trung ương khuyến cáo, cần chú ý các dấu hiệu của bệnh, tính chất tái diễn xảy ra khi có các yếu tố nguy cơ làm kịch phát hen. Trong đó, đặc điểm cơn hen cấp là cơn khó thở đột ngột, khò khè, thở rít, tăng dần. Người bệnh có thể có dấu hiệu báo trước như ngứa mũi, hắt hơi, ngứa mắt, ho khan và cơn hen sẽ giảm hoặc hết sau khi được dùng các thuốc giãn phế quản.

Nhưng rất nhiều trường hợp hen không có dấu hiệu điển hình như vậy, do đó “cần nghĩ đến hen khi thấy người bệnh có một trong các biểu hiện sau: Có những cơn khò khè tái phát nhiều lần, nhất là về ban đêm; Ho, khò khè, khó thở, nặng ngực khi gắng sức; Ho, khò khè, khó thở và nặng ngực khi tiếp xúc với một số dị nguyên hay khói ô nhiễm; Có triệu chứng “cảm cúm” kéo dài hơn 10 ngày; Các triệu chứng của bệnh có cải thiện khi điều trị bằng thuốc hen”, bác sỹ Thành cho biết thêm.

bác sỹ vũ văn thànhBác sỹ Vũ Văn Thành, Bệnh viện Phổi Trung ương

Bệnh hen thường hay bị nhầm lẫn với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tắc nghẽn đường hô hấp trên, dị vật đường thở, hen tim… Do đó, để xác định chắc chắn có bị hen hay không, cần phân biệt với một số trường hợp có các dấu hiệu giống như người bệnh hen, đặc biệt là những trường hợp đã được điều trị theo đúng hướng hen, nhưng tình trạng bệnh vẫn không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Khò khè, khó thở kéo dài do ô nhiễm không khí

Theo bác sỹ Vũ Văn Thành, ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh hen phế quản. Hen là tình trạng phản ứng dị ứng của cơ thể với các chất đóng vai trò là các dị nguyên. Mà trong môi trường sống có nhiều loại dị nguyên khác nhau như:

 – Dị nguyên trong nhà: Mạt bụi nhà, lông thú (chó, mèo, chuột…); gián; nấm mốc; một số thuốc như aspirin, ibuprofen; các chất tẩy rửa dùng trong nhà.

 – Dị nguyên ngoài nhà: Bụi đường phố, phấn hoa, nấm mốc, các hóa chất, chất lên men, hương khói các loại (khói xe hơi, khói thuốc lá).

 – Nhiễm trùng: Chủ yếu là nhiễm virus

 – Các yếu tố nghề nghiệp: Than, bụi bông, hoá chất…

Chính các dị nguyên này đã góp phần làm gia tăng các trường hợp mắc các bệnh đường hô hấp trong đó có hen phế quản.

Ngoài yếu tố môi trường thì yếu tố chủ thể của người bệnh cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh hen phế quản. Người bị bệnh hen thường có liên quan đến yếu tố gia đình (di truyền), cơ địa dị ứng (chàm, viêm mũi dị ứng), với những gene liên quan đến sự hình thành IgE, các chất trung gian hóa học, sự gia tăng đáp ứng đường thở. Bên cạnh đó, tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng, đẻ non là yếu tố nguy cơ mắc hen.

Người bệnh hen thường có cơn hen kịch phát (cơn khó thở cấp tính) xảy ra khi tiếp xúc với các dị nguyên, thay đổi thời tiết, một số mùi vị đặc biệt (hóa chất, chất tẩy rửa), hương khói các loại (đặc biệt khói thuốc lá), và những thay đổi cảm xúc mạnh…

phòng hen phế quảnMôi trường sống trong sạch, tập luyện thường xuyên, vừa sức giúp phòng hen phế quản hiệu quả

Phòng và điều trị đúng cách

Trước đây người ta coi bệnh hen là bệnh di truyền và không thể điều trị được, dẫn đến tâm lý bi quan về bệnh và không điều trị gì, hoặc không hiểu rõ về bệnh nên luôn kỳ vọng một loại thuốc mà có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh hen bằng duy nhất một liều thuốc.

Trong khi đó, tuy bệnh hen không thể chữa khỏi hẳn được, nhưng người bệnh hen hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh hen của mình, có nghĩa người bệnh không có hoặc có rất ít triệu chứng hen, không phải dùng thuốc cắt cơn hen, hoạt động thể lực bình thường với chức năng phổi hoàn toàn bình thường.

Để phòng ngừa cơn hen tái phát, bác sỹ Thành khuyến cáo người bệnh cần nhận biết và tránh các yếu tố khởi phát cơn hen như bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, mùi hóa chất, một số thuốc điều trị (aspirin, ibuprofen), thay đổi thời tiết, môi trường bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm không khí.

Với thuốc điều trị dự phòng hen, “người bệnh có thể dùng tại chỗ (hít, khí dung), uống hoặc tiêm. Trong đó, thuốc dùng tại chỗ có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt thuốc corticoid dạng hít là thuốc dự phòng hen có hiệu quả nhất hiện nay. Một số thuốc đang được dùng để điều trị hen phế quản gồm: Các corticoid dạng hít; Thuốc biến đổi leucotriene; Thuốc chủ vật beta2 tác dụng kéo dài dạng hít; Theophylline; Cromones…”, bác sỹ Thành cho biết.

Ngoài dùng thuốc điều trị, người bị bệnh hen cũng có thể áp dụng các biện pháp điều trị bổ sung, thay thế như châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ, sử dụng các loại thuốc thảo dược thiên nhiên để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý, kỹ thuật thở cũng có thể làm cải thiện thêm triệu chứng và giảm nhu cầu dùng thuốc cắt cơn.

Và khi có dấu hiệu cơn hen cấp (khó thở, khò khè) cần dùng ngay thuốc giãn phế quản chủ vận beta2 tác dụng nhanh dạng xịt, có thể 3 – 4 lần cách nhau 15 – 20 phút trong giờ đầu, để giảm nhanh triệu chứng khó thở. Tiếp theo cần liên lạc ngay với bác sỹ để được tư vấn cách xử trí tiếp theo, có thể điều trị tại nhà hay phải nhập viện.

Một số lời khuyên cho người bệnh hen phế quản

– Tránh các yếu tố khởi phát cơn hen như: Bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, mùi hóa chất, một số thuốc điều trị, thức ăn gây dị ứng, thay đổi thời tiết, khói thuốc lá, khói thuốc lào, môi trường không khí bị ô nhiễm…

– Dùng thuốc đều đặn, đúng kỹ thuật (thuốc xịt, thuốc hít), theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự ý ngừng thuốc, thay đổi thuốc điều trị.

– Tập luyện thể dục vừa phải, phù hợp với thể lực, tránh luyện tập quá sức.

– Khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được sự tư vấn của thầy thuốc, giúp tăng sự hiểu biết về bệnh, đưa ra kế hoạch kiểm soát hen.

– Thuốc điều trị dự phòng duy trì, thuốc cắt cơn hen phải để ở nơi thuận tiện, dễ tìm, dễ lấy.

– Biết cách phát hiện và xử trí ban đầu khi có cơn hen cấp, liên lạc ngay với bác sỹ để được hướng dẫn.

– Các cách chữa bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt và các loại thảo dược thiên nhiên có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị hen phế quản.

Ly Ly


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm không khí – Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hen phế quản