Ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản (Bài 3): Giải pháp nào hiệu quả?

Trọng Nhân|05/12/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù ngành khoáng sản có những đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, nhưng hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Theo các nhà khoa học và chuyên gia về ngành khai khoáng, để quyết định đưa một mỏ vào khai thác cần phải xem xét thận trọng giữa lợi ích trước mắt cũng như lợi ích lâu dài, bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững.

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác than

Trước hết, nên khai thác mỏ ít chất thải. Bởi một thách thức lớn phải giải quyết trong quá trình khai thác mỏ là quản lý chất thải rắn trong mỏ. Ngành công nghiệp khai thác mỏ hàng năm tạo ra một khối lượng đất đá thải rất lớn do phải bóc lớp đất phủ và quặng nghèo không đáp ứng yêu cầu chế biến trong khai thác lộ thiên. Trong đất đá thải chứa nhiều tạp chất khác nhau nên phải được quản lý theo một quy trình nghiêm ngặt để ngăn ngừa ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Việc chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang hầm lò sẽ hạn chế và giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm nước mặt cũng như nước ngầm do đất đá thải gây ra. Tài nguyên khoáng sản ở độ sâu vừa phải được khai thác bằng phương pháp lộ thiên ở giai đoạn trước, nay đã cạn kiệt nên phải khai thác tài nguyên khoáng sản ở độ sâu lớn nằm trong lòng đất bằng phương pháp hầm lò.

Hiện nay, các mỏ than Quảng Ninh đang phải lựa chọn phương pháp khai thác hầm lò hoặc phương pháp kết hợp lộ thiên và hầm lò để khai thác than trong điều kiện than ở độ sâu không lớn đang cạn kiệt và đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng hàng năm.

Khai thác mỏ cần được tối ưu hóa, vì nước phải được tiêu thụ, sử dụng có hiệu quả, đồng thời áp dụng công nghệ tái sử dụng nước một cách tối đa. Các thiết bị sử dụng trong mỏ phải bảo đảm yêu cầu tiêu hao năng lượng thấp, mạnh dạn thay thế thiết bị cũ, lạc hậu không bảo đảm yêu cầu tiết kiệm năng lượng và thải ít chất thải ra môi trường xung quanh.

Các doanh nghiệp sau khi khai thác có nghĩa vụ đóng cửa mỏ, bảo đảm mục đích loại bỏ những tác động lâu dài đến môi trường, phục hồi lại đất đai để có thể đáp ứng yêu cầu trồng trọt, canh tác hoặc các mục đích phù hợp khác, bảo đảm việc sử dụng đất được phê duyệt, bảo đảm cảnh quan được trở lại trạng thái ban đầu trước khi khai thác.

Hiện nay, công nghiệp khai khoáng đang đối mặt với nhiều thách thức, phải giải quyết. Trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, hướng tới công nghệ sạch, đó là giải pháp quan trọng nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản phải hướng tới công nghệ sử dụng tiết kiệm tài nguyên, làm giảm áp lực gia tăng lượng khoáng sản.

Do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường; nhiều địa phương quá chú trọng vào việc phát triển kinh tế, nên tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái, nhất là các hoạt động của các mỏ khai thác than, quặng kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân. Công nghệ khai thác hiện nay chưa hợp lý, nhất là đối với các kim loại, nên mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy rừng, hủy hoại về mặt đất, ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, không khí…
Nhằm từng bước khắc phục, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới, cần khẩn trương rà soát Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ có liên quan theo hướng phân công cụ thể trách nhiệm, tập trung quản lý thống nhất đầu mối quốc gia, khắc phục sự phân tán, chồng chéo về nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý môi trường các cấp, nhất là tập trung vào cấp quận, huyện, xã, phường.
Tiếp tục rà soát các quy định về ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng quy định cụ thể về định mức trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường và cần làm rõ phương án, trách nhiệm cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.

Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và đưa ra các sáng kiến, giải pháp phù hợp trong quá trình khai thác mỏ, bảo đảm phát triển bền vững ngành khai khoáng trong quá trình CNH-HĐH đất nước.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản (Bài 3): Giải pháp nào hiệu quả?