Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt

Mai Anh (T/h)|18/08/2020 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 17/8, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Hội nghị nhằm làm rõ thực trạng an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay và trong 20 – 30 năm tới; những giải pháp quản lý, ứng phó và kiểm soát an ninh nguồn nước. Đồng thời, hội nghị cũng làm rõ hiện trạng quản lý an toàn các công trình hồ, đập hiện nay, những khó khăn, bất cập và giải pháp khắc phục.

Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, trong tháng 7/2020, ủy ban đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung phiên giải trình tại 14 tỉnh, thành phố tại Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc. Qua đó, đã chỉ ra 8 thách thức đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam.

Đó là vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất; vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế; khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng; vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy khi chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông; thách thức thứ 8 là hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thuỷ lợi còn chưa đáp ứng yêu cầu.

“Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%” – ông Phạm Vinh Hà cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: KT)

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà đã cùng báo cáo, trả lời nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra về tình trạng báo động với an ninh nguồn nước.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2, trong đó 837 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài.

Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam.

Trong khi đó, chúng ta sử dụng nước còn kém hiệu quả, lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý.

Trong tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm (80,6 tỷ m3) có khoảng trên 80% là sử dụng cho nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị m3 nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Lào 2,53 USD.

Xoay trục sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh “nước ngọt ngày càng khan hiếm chứ không phải nhiều như nước”, và cho hay, mức độ ô nhiễm nguồn nước tại các kênh, sông, hồ ngày càng nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: KT)

Theo Bộ trưởng, nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng, ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và môi trường.

Việc khai thác nước dưới đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức đã gây ra nhiều hệ lụy như sụt, lún đất, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tài nguyên nước chưa được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, giá dịch vụ nước chưa được tính đúng, tính đủ nên ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không cao, còn gây lãng phí nước. Phần lớn trong chúng ta vẫn còn suy nghĩ nguồn nước là vô tận và sẵn có…

Tại phiên giải trình, đại biểu Trần Xuân Hùng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về kế hoạch của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp để giải quyết hệ lụy, tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?”.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập đến giải pháp để phát triển bền vững là phải xoay trục sản xuất. “Nếu như trước kia Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào nguồn nước là nhiều, chủ yếu là lúa lên hàng đầu, sau đó đến thủy sản trái cây, thì tới đây xoay trục lại là thủy sản đầu tiên, sau đó trái cây và lúa. Thế giới tới đây cần nhiều thủy sản, trái cây”, ông nói.

Bộ trưởng khẳng định giải pháp trên đang được thực hiện quyết liệt, ngay cả địa phương đầu nguồn là An Giang cũng đang chuyển theo hướng này và chứng tỏ phù hợp…

Mai Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.