Phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu

Minh Hân|13/03/2022 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam đã phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng chi ngân sách cho biến đổi khí hậu của 6 Bộ và 29 tỉnh, thành phố là gần 6,5 tỷ USD, tương đương 1,3 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Chiều 11/3, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Công bố báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu tại Việt Nam (CPEIR)”.

Theo báo cáo”Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu tại Việt Nam (CPEIR)” cho biết, hơn 70% ngân sách cho biến đổi khí hậu của các Bộ và hơn 90% ngân sách khí hậu ở các tỉnh là dành cho chi tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng chi ngân sách cho biến đổi khí hậu của 6 Bộ và 29 tỉnh, thành phố là gần 6,5 tỷ USD, tương đương 1,3 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, ngân sách này chưa tính của các Bộ, các tỉnh khác nằm ngoài nghiên cứu khảo sát, dù các Bộ, địa phương này chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi cho biến đổi khí hậu.

Ở cấp tỉnh, ngân sách bình quân cho biến đổi khí hậu của 28 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương cũng tăng đều khoảng 53%, từ khoảng 700 triệu USD năm 2016 lên gần 1,1 tỷ USD năm 2020. Ngân sách cho biến đổi khí hậu chiếm tỷ trọng tương đối ổn định trong tổng ngân sách cấp tỉnh, dao động trong khoảng 16% – 21% tổng ngân sách.

Ảnh minh họa.

Trong khi phân bổ ngân sách trong nước ổn định thì nguồn vốn ODA có xu hướng gia tăng. Chi tiêu cho biến đổi khí hậu của các tỉnh thường tập trung chủ yếu vào các can thiệp cụ thể, ví dụ như lương thực, thực phẩm và nước, nước biển dâng, và phát triển rừng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị chính bao gồm các chiến lược và kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cần được phản ánh trong các mục tiêu và chỉ tiêu của các chính sách ngành cũng như Kế hoạch tổng thể phát triển Kinh tế xã hội.

Hơn nữa, hiệu quả nhất là loại bỏ các báo cáo rà soát hồi cứu và chuyển sang theo dõi chi tiêu khí hậu có hệ thống được tích hợp vào hệ thống lập kế hoạch và lập ngân sách. Để làm được như vậy, cần xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo toàn diện để cải thiện việc lập ngân sách, giám sát, báo cáo và thông tin về chính sách và kế hoạch về biến đổi khí hậu.

Minh Hân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu