(Moitruong.net.vn) – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” nhằm đưa ra được bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá để giảm thiểu thiệt hại về người, vật chất của các địa phương và người dân.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Viện Khoa học và Địa chất Khoáng sản chủ trì, phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện, dự kiến Đề án hoàn thành vào năm 2020.
Đến nay, Bộ đã hoàn thành việc lập Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hòa Bình, Lạng Sơn.
Trên cơ sở thực hiện các công việc liên quan, đến nay Đề án đã hoàn thành việc lập Bản đồ phân vùng cảnh báo tại 07 tỉnh gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La (đã bàn giao cho 04 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái).
Trên cơ sở kết quả đã thực hiện đến nay của Đề án nêu trên và kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất khoáng sản ở tỉ lệ 1:50.000 đã thực hiện có thể đánh giá một số nguyên nhân chính tại các khu vực thường xảy ra tai biến địa chất (lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá, xói lở bờ sông, xói lở đường giao thông,…) nói chung, trượt lở đất nói riêng ở các vùng núi Việt Nam, đó là: Tại các khu vực có địa hình phân cắt lớn, độ dốc sườn lớn; Các thành tạo địa chất có bề dày vỏ phong hóa lớn; Khu vực có lưu lượng mưa lớn, tập trung. Ngoài ra còn có nguyên nhân về hoạt động kiến tạo (hiếm có).
Về một số đề xuất hướng về khắc phục, căn cứ vào kết quả điều tra cơ bản một cách tổng thể để khoanh định, phân vùng các khu vực có nguy cơ trượt lở theo các mức độ dễ bị tổn thương, gây tai biến để cảnh báo (đã thực hiện được 15 tỉnh nêu trên). Kết quả điều tra cần được chuyển giao ngay cho các địa phương và tuyên truyền rộng rãi đến người dân để phòng tránh (đây là công việc Bộ Tài nguyên và Môi trường làm thường xuyên theo tiến độ, kết quả điều tra).
Bên cạnh đó, cũng cần rà soát nắn chỉnh các đường giao thông miền núi theo hướng tả ly đường không cắt chân các thành tạo địa chất (khắc phục bằng hầm hoặc cầu). Hàng năm, phải có điều tra riêng về tai biến địa chất và xây dựng một số trạm quan trắc thường xuyên ở những khu vực có nguy cơ tổn thương cao để có dữ liệu cập nhật thường xuyên kết hợp dự báo lượng mưa từng khu vực sẽ dự báo tương đối chính xác các khu vực có thể xảy ra các tai biến địa chất và đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại kịp thời.
Theo Monre