Sáng ngày 28/4 tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐTB-XH đã phối hợp tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” và “Tháng công nhân năm 2022”.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian qua, những mất mát về con người và thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều, gây ra những nỗi đau tinh thần và thể xác cho biết bao gia đình, nỗi buồn đau thấu tâm can với những người thân, với những người mẹ, người vợ và con thơ.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, chúng ta lo tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho mọi người được làm việc trong những điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần. Đây cũng chính một là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã chính thức phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao đông; Tháng Công nhân năm 2022. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trung ương, tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng chúng ta thẳng thắn nhận thấy công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại, cụ thể: số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỉ đồng và hơn 116.000 ngày công. Số người bị tai nạn đến các cơ sở khám, điều trị là 18.951 người, trong đó khám điều trị lần đầu là 12.884 người.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết để hoạt động thực sự có hiệu quả, Tháng Công nhân năm 2022 tập trung trọng tâm vào chăm lo, hỗ trợ người lao động về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động an toàn; tổ chức công đoàn tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách, thiết yếu của công nhân, viên chức, lao động.
Bên cạnh đó, trong Tháng Công nhân các cấp công đoàn chủ động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động; đặc biệt là Nghị quyết số 17/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội”; quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; thúc đẩy việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của Hội đồng Quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động; thăm, tặng quà động viên nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động…
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo sản phẩm băng cảnh báo cáp ngầm đang được ưa chuộng hiện nay
Minh Hoa